Tỉnh Hòa Bình và tỉnh đông dân nhất Việt Nam - Thanh Hóa sẽ chính thức chung tay đầu tư cho "sợi dây huyết mạch" kết nối giao thông liên vùng với tổng vốn đầu tư 15.400 tỷ đồng.
Thanh Hóa - Hòa Bình “chung sức” làm tuyến đường liên vùng
Dự án đầu tư đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) đến Quốc lộ 6 thuộc huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp cùng UBND tỉnh Hòa Bình lập dự án đầu tư, thông tin từ Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa.
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa đều tích cực phối hợp và thực hiện các công tác cần thiết chuẩn bị cho việc đầu tư dự án.
Liên quan đến nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án, tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính trình phê duyệt 15 tỷ đồng nhằm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư vào ngày 28/2/2024.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa, quyết nghị bổ sung dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa hiện cũng đang phối hợp với các ngành chức năng cũng như các đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát và tính toán kỹ phương án tuyến của dự án, đoạn đi qua địa bàn tỉnh.
Đơn vị này cũng được yêu cầu phối hợp với Sở GTVT tỉnh Hòa Bình hoàn thiện phương án đầu tư dự án và xin ý kiến Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, các Bộ, ngành liên quan, tiến hành đề xuất và báo cáo Chính phủ xin chủ trương hỗ trợ vốn cho các địa phương.
>> Đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: 'Vượt nắng thắng mưa' phấn đấu về đích vào dịp 30/4/2025
Ngày 25/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án. Tiếp đó, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và phê duyệt dự toán chuẩn bị dự án.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu, gói thầu tư vấn khảo sát; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cũng như dự kiến thương thảo và ký hợp đồng trong tháng 6/2024 cũng như hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 7/2024 theo đúng kế hoạch.
Lãnh đạo chủ chốt của 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình cũng đã tổ chức Hội nghị để thảo luận về phương án đầu tư tuyến đường vào tháng 3 vừa qua.
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại thông báo số 504/TB-VPCP, ngày 5/12/2023 của Văn phòng Chính phủ và nhằm phát triển hệ thống giao thông kết nối, phát triển liên kết vùng, cả hai tỉnh đã trao đổi và thống nhất phương án triển khai cho dự án đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) với Quốc lộ 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 15.400 tỷ đồng trong đó đoạn qua tỉnh Thanh Hóa có vốn đầu tư khoảng 8.500 tỷ đồng và đoạn qua tỉnh Hòa Bình khoảng 6.900 tỷ đồng.
Theo đó, toàn bộ tuyến đường có tổng chiều dài 88,5km; đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 69km và đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 19,5km.
Đây là tuyến đường có quy mô đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; chiều rộng của nền đường 15,5m và chiều rộng mặt đường 14,5m.
Tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình cũng đã thống nhất về tên gọi của dự án, mốc thời gian thực hiện các công việc liên quan và phấn đấu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục có liên quan nhằm trình các cấp có thẩm quyền tiến hành xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 9/2024.
“Sợi dây huyết mạch” mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế
Việc đầu tư "sợi dây huyết mạch" giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) đến Quốc lộ 6 thuộc huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) sẽ giúp hình thành trục giao thông chính kết nối liên vùng Tây Bắc cũng như Bắc Trung Bộ.
Theo kỳ vọng, "sợi dây huyết mạch" sau khi hoàn thành sẽ giúp hoàn thiện các trục giao thông quan trọng liên kết vùng theo hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo "sợi chỉ đỏ" kết nối từ đường ven biển đến các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 217, cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.
Ngoài ra, việc tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình cùng "bắt tay" làm tuyến đường hơn 15.400 tỷ đồng sẽ mở ra cánh cửa giao thương, tạo thuận lợi và thu hút đầu tư cho ngành vận tải hàng hóa từ các tỉnh phía Tây Bắc qua Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa)...
Các khu vực lân cận và dọc tuyến đường của dự án cũng sẽ được kết nối, tạo mạng lưới phát triển kinh tế - xã hội dày đặc; ngành du lịch với những khu du lịch tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và các vùng lân cận cũng sẽ được khai thác tối đa nhờ hạ tầng được đầu tư mở rộng.
>> Đề xuất gói tín dụng mới cho nhà ở xã hội: Hiện thực hóa 'giấc mơ' nhà ở cho người thu nhập thấp
Thực trạng đoạn đường quốc lộ chi gần 19.000 tỷ mở rộng, đắt gấp 3 lần cao tốc Bắc - Nam
Lộ diện 'kênh đầu tư vua' sẽ được các nhà đầu tư 'đỏ mắt' săn lùng