Doanh nghiệp A-Z

Màn sương mù phía sau ‘trận đánh’ ở Lộc Trời

Khương Lê 15/10/2024 15:32

"Nó như một trận đánh và mình đã bị nội gián, mà trước đó mình trao quyền dẫn dắt cho nó. Nó dẫn mình vô một cái bẫy và phục kích, cài đặt rất là kỹ, rất là chi tiết với một kịch bản cực kỳ tinh vi", ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Thòn nói về câu chuyện xảy ra tại doanh nghiệp của mình trong sự kiện kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, do VCCI đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào ngày 6/10 vừa qua.

Phát biểu của vị Chủ tịch ngoài 70 tuổi được đưa ra trong bối cảnh đầy căng thẳng, khi công ty đang tiến hành hàng loạt biện pháp pháp lý đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG).

Cụ thể, vào ngày 12/9, Tập đoàn Lộc Trời gửi UBND tỉnh An Giang, yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn với ông Thuận. Cựu CEO bị cáo buộc có hành vi gian dối và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho công ty.

Trước đó, ngày 24/7, LTG cũng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cựu lãnh đạo. Lộc Trời cho rằng ông Thuận "có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm".

Draff
Ông Nguyễn Duy Thuận, cựu CEO LTG. Ảnh: VNN

“Nội gián, bẫy, phục kích, kịch bản tinh vi,…” là hàng loạt mô tả khiến người nghe không khỏi thắc mắc về hoạt động bên trong Lộc Trời thời gian qua. Cho đến hiện tại, "nó" trong phát biểu của ông Thòn cũng như câu chuyện cụ thể đã diễn ra tại Lộc Trời vẫn như một màn sương mù bí ẩn.

Trong số những thông tin công bố, đáng chú ý, có việc cựu Trưởng Ban Kiểm soát của Lộc Trời, ông Tiêu Phước Thạnh, xin từ nhiệm từ ngày 6/9/2024. Ông Thạnh được bổ nhiệm là thành viên BKS LTG từ ngày 23/5/2021 và trở thành Trưởng Ban Kiểm soát vào ngày 14/4/2022, hơn 2 năm tính đến thời điểm xin từ chức.

Ban Kiểm soát là một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp, chức năng chính là giám sát và kiểm tra hoạt động quản lý và điều hành của Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Giám đốc và các bộ phận khác trong công ty, đảm bảo tính minh bạch, trung thực và hợp pháp của hoạt động kinh doanh.

Về mặt lý thuyết, trong mô hình công ty cổ phần, Ban Kiểm soát sẽ tập trung vào việc đánh giá tính hợp lý và minh bạch của báo cáo tài chính, việc tuân thủ pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp. Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến rủi ro tài chính, quản trị, hoặc khả năng kiểm soát nội bộ kém, thông thường, sẽ được nêu trong báo cáo của BKS.

Ban Kiểm soát Lộc Trời đã báo cáo gì trước khi sóng gió xảy ra?

Trong báo cáo với cổ đông năm 2023, Ban Kiểm soát của LTG cho biết, kết quả lợi nhuận sau thuế của LTG giảm tới 96% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu thuần tăng 38%, được giải thích bởi hai nguyên nhân chính:

Một là tình hình lãi suất từ các ngân hàng tăng, làm cho chi phí lãi vay tăng 343,1 tỷ (tăng 244% so với năm 2022).

Hai là tình hình giá lúa nguyên liệu tăng mạnh so với mặt bằng những năm trước. Đỉnh điểm, vào những tháng cuối năm có thời điểm giá lúa thu mua từ nông dân lên đến 10.000 đồng/kg tăng gần 30% so với giá bình quân của năm, giai đoạn này trùng với lịch giao hàng của ngành lương thực gây ảnh hưởng một phần đến kết quả kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, “bằng sự nhanh nhạy của BĐH, HĐQT cũng như đồng lòng của cán bộ nhân viên Tập đoàn, hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì sự ổn định, hạn chế những diễn biến tiêu cực của thị trường và tạo nền tảng vững chắc góp phần cho sự phát triển của Tập đoàn”, báo cáo của BKS Lộc Trời ngày 20/5 có đoạn viết.

Về hoạt động của Ban Điều hành (BĐH), Ban Kiểm soát đánh giá, BĐH triển khai, chỉ đạo sát sao các đơn vị, phòng, ban chức năng phối hợp thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quyết định của HĐQT để thực hiện tốt hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về giám sát hoạt động và duy trì hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ, BKS cho biết, hàng quý đã thực hiện giám sát thông qua các báo cáo, họp, phỏng vấn trực tiếp của BKSNB&QLRR, và kiểm toán độc lập.

Bên cạnh đó, BKS Lộc Trời phối hợp, hỗ trợ các bộ phận trong công tác giám sát thu hồi công nợ; kiểm soát hàng tồn kho, đánh giá lại tài sản của Tập đoàn, giám sát thực hiện dự án đầu tư…

Draff
Ảnh minh họa (Internet)

Vay nhiều nhưng không đánh giá rủi ro về lãi suất

Trong khi báo cáo của Ban Kiểm soát tập trung về tính tuân thủ, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro vi phạm tiềm ẩn thì báo cáo của HĐQT thường trình bày về hoạt động chiến lược, các vấn đề điều hành và quản lý rủi ro lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong Báo cáo thường niên năm 2023, tại phần đánh giá về “Rủi ro”, LTG nhận định hai rủi ro lớn nhất là động vật gây hại và các loại bệnh trên cây trồng cùng sự cố an toàn lao động.

Bên cạnh đó là bốn rủi ro liên quan biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước, thị trường lúa gạo thế giới bất ổn định và dịch bệnh truyền nhiễm (Covid-19, dịch sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm mới như bệnh đậu mùa khỉ, bệnh Marburg).

Đánh giá rủi ro về bệnh truyền nhiễm khá khó hiểu khi đây là rủi ro có xác suất xảy ra thấp do đó thường không xuất hiện trong đánh giá của các doanh nghiệp trừ giai đoạn trong và sau tâm dịch Covid-19.

Trong khi đó, lãi suất ngân hàng hay tỷ giá, là những vấn đề sát sườn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, lại không được LTG đánh giá.

Nhìn sang BCTN của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, xuất khẩu lương thực tương tự như Lộc Trời, Công ty CP XNK Nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX), có thể thấy rõ sự khác biệt. Năm ngoái, trong báo cáo thường niên, AFIEX chia rủi ro chính trong hoạt động kinh doanh thành 4 nhóm, bao gồm: rủi ro kinh tế, rủi ro tỷ giá lãi suất, rủi ro kinh doanh và rủi ro khách quan khác.

Trong đó, nhóm rủi ro khách quan như biến đổi khí hậu được đặt trong rủi ro khác bên cạnh những rủi ro thường trực như lãi suất, tỷ giá, thị trường,…

Draff
Ảnh: Minh Phong (Báo Đấu thầu)

Quay lại nội tại của LTG, tác động lớn của chi phí tài chính đã được thể hiện rõ nét thông qua kết quả kinh doanh từ năm 2021, kéo dài đến năm 2023 và tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024 nhưng doanh nghiệp không đánh giá rủi ro biến động lãi suất.

Tập đoàn duy trì nguồn nợ ngắn hạn lớn để tài trợ cho các hoạt động thu mua lúa gạo của nông dân ở các vùng liên kết. Do đó, Lộc Trời chịu ảnh hưởng đáng kể khi chi phí tài chính tăng cao, nhất là chi phí lãi vay tăng mạnh tới 582 tỷ đồng năm qua, khiến lợi nhuận trước thuế giảm hơn 400 tỷ đồng so với năm 2022.

Về nguồn vốn, đòn cân nợ của LTG nghiêng về vốn vay, với tỷ lệ nợ phải trả chiếm hơn 73% trên tổng nguồn vốn tại ngày cuối năm 2023.

Trong năm 2023, nợ phải trả ngắn hạn đã tăng 51% so với 2022. Trong đó, đến 31/12/2023, nợ phải trả ngắn hạn đạt 8.312 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ, nâng tổng nợ phải trả lên 8.400 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, những vấn đề về lãi suất và tỷ giá tiếp tục đè gánh nặng chi phí lên kết quả hoạt động kinh doanh của Lộc Trời. Theo đó, trong Quý I/2024, Lộc Trời đạt doanh thu 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, nhưng lỗ sau thuế 95 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 14 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là chi phí tài chính tăng mạnh lên 188 tỷ đồng, trong đó lãi vay chiếm 127 tỷ đồng, cộng thêm chi phí nguyên liệu và lỗ tỷ giá hối đoái.

Hiện tại, do những sự kiện bất khả kháng, LTG xin hoãn chưa công bố báo cáo tài chính quý II.

Từ bỏ “cỗ máy in tiền”

Đang là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam, với lợi nhuận ròng hàng trăm tỷ mỗi năm, giai đoạn 2020-2021, Lộc trời khiến cổ đông bất ngờ khi tuyên bố tái cấu trúc và chuyển hướng sang ngành lương thực.

Lộc Trời, tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang, có lợi thế nhờ mạng lưới phân phối mạnh và lâu đời, bao gồm các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật uy tín và mối quan hệ sâu rộng với nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ năm 2019, công ty bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào mảng này để chuyển sang ngành lương thực, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong cả doanh thu lẫn tỷ trọng của mảng thuốc bảo vệ thực vật​.

Hiện tại, mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời vẫn tồn tại nhưng không còn giữ vị thế trọng tâm như trước. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng khiến thị phần của Lộc Trời trong lĩnh vực này dần thu hẹp​.

"Phía Syngenta bắt đầu hợp tác với Lộc Trời từ năm 2010, đến năm 2021 thì họ chấm dứt, như vậy là hợp tác giữa hai bên kéo dài gần 11 năm. Thời điểm bắt đầu hợp tác, tại thị trường Việt Nam, Syngenta vẫn còn nhỏ, mà Lộc Trời cũng chưa to. Trong quá trình phát triển, cả hai lớn mạnh cùng nhau", ông Nguyễn Duy Thuận – cựu CEO LTG thông tin với báo chí vào cuối năm 2021.

Ông Thuận cho biết, đây không phải là sự chấm dứt đơn phương từ Syngenta. Năm 2019, Lộc Trời và Syngenta đã ký với nhau một hợp đồng thời hạn ba năm, thống nhất việc sẽ ngưng hợp tác khi kết thúc năm 2021.

Theo vị này, doanh thu của LTG đến từ 3 mảng là thuốc bảo vệ thực vật, lương thực và hạt giống. Trong đó, doanh thu từ Syngenta chiếm 30% tổng doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật của LTG, tương ứng hơn 10% tổng doanh thu hàng năm.

Nếu định vị LTG là doanh nghiệp thuốc bảo vệ thì ảnh hưởng của sự kiện Syngenta tương đối đáng kể, nhưng thực chất LTG là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.

Draff
Thuốc bảo vệ thực vật từng là mặt hàng kinh doanh chính của LTG.
(Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, số liệu sau đó lại cho thấy lo ngại về tương lai của LTG khi buông mảng thuốc bảo vệ thực vật là có cơ sở. Cần phải nhấn mạnh rằng, biên lợi nhuận gộp của lĩnh vực này lên tới 30-50%, trong khi ngành lương thực, chủ yếu là gạo, chỉ có biên lợi nhuận rất thấp, dao động dưới 5%.

Điều này là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của LTG không đồng pha tăng trưởng với doanh thu trong giai đoạn 2021-2023.

Theo đó, bất chấp việc doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ, chính thức vượt mốc 10.000 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2023 với hơn 16.088 tỷ đồng, lợi nhuận của Lộc Trời lại giảm đáng kể. Năm 2023, lợi nhuận chỉ đạt 16,5 tỷ đồng, sụt giảm 96% so với năm 2022. Đây là mức lợi nhuận thấp kỷ lục, trái ngược với những năm trước đó, khi Lộc Trời thường xuyên báo cáo mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.

Quý I năm nay, Lộc Trời tiếp tục báo lỗ 96 tỷ đồng, bên cạnh những vấn đề khó khăn về dòng tiền và khoản nợ phải thu từ khách hàng.

Ở một diễn biến khác, trong khi Lộc Trời giảm dần trọng tâm vào "cỗ máy in tiền" là mảng thuốc bảo vệ thực vật, thì đối thủ chính của họ, CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) – công ty con của Tập đoàn PAN của đại gia tài chính Nguyễn Duy Hưng (SSI) - lại đang tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

Draff
Tổng hợp từ số liệu của DN

Trên thực tế, việc doanh nghiệp chuyển trục kinh doanh hoặc “xây lại từ đầu” không phải hiếm gặp nhưng cổ đông sẽ thấy được thuyết phục hơn khi ngành kinh doanh gặp khó khăn, hoặc đã đến điểm bão hòa.

Năm 2012, bầu Đức từ bỏ hoàn toàn bất động sản, chuyển hướng sang làm nông nghiệp vì khủng hoảng chung của ngành.

Mới gần đây, FPT Shop (FRT) tuyên bố về việc “chuyển trục” thành công ty về chăm sóc sức khỏe (healthcare) với phát súng đầu tiên là sự thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Nguyên nhân vì “mảnh đất ICT” đã quá cằn cỗi. Mặc dù vậy, trong mảng kinh doanh truyền thống, FRT chủ trương không mở rộng chứ không có ý định nhường lại thị phần đang có cho đối thủ. Trong cuộc chiến giá năm ngoái với Thế Giới Di Động, họ theo sát, không lùi một tấc.

Còn với câu chuyện của Lộc Trời, từ bỏ ngành kinh doanh chính khi đang là “cỗ máy in tiền”, đâu mới là câu trả lời thực sự thỏa đáng dành cho cổ đông?

>> Chọn con đường 'nhân trị', Chủ tịch Lộc Trời (LTG) đương đầu với khủng hoảng ở tuổi xế chiều

Đề nghị tỉnh An Giang ngăn chặn cựu CEO Tập đoàn Lộc Trời

Tập đoàn Lộc Trời nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/man-suong-mu-phia-sau-tran-danh-o-loc-troi-253804.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Màn sương mù phía sau ‘trận đánh’ ở Lộc Trời
POWERED BY ONECMS & INTECH