Nhiều người làm văn phòng thường xuyên chuẩn bị món ăn tại nhà mang đến cơ quan ăn trưa, như vậy liệu có tốt cho sức khỏe?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa trưa có vai trò quan trọng, đóng góp tới 40 - 50% năng lượng nạp vào cơ thể một ngày. Bởi vậy, không nên coi bữa trưa là bữa tạm, ăn qua loa.
Ngày càng có nhiều dân văn phòng mang cơm trưa đi làm. Không thể phủ nhận việc này vừa giúp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cũng như vệ sinh thực phẩm, vừa giảm gánh nặng kinh tế.
Tuy nhiên, khi mang cơm trưa đi làm, mọi người cũng cần chú ý một số vấn đề trong việc chế biến và bảo quản món ăn để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Không để lẫn các loại thức ăn
Đôi khi để tiết kiệm hộp đựng khi mang cơm trưa đi làm, nhiều người có thói quen để thức ăn và cơm chung một hộp. Tuy nhiên, cần lưu ý mỗi món ăn có thời điểm chế biến cũng như thời gian bảo quản khác nhau, có loại thực phẩm nhanh hỏng hơn.
Do đó, nếu để chung nhiều loại thực phẩm trong cùng hộp đựng, nguy cơ lây nhiễm khuẩn sẽ tăng cao, nhất là khi để đồ xào nấu có nước xốt chung với cơm trắng.
Để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa tiết kiệm diện tích hộp đựng khi mang đi làm, dân văn phòng có thể lựa chọn loại hộp cơm có nhiều ngăn hoặc dùng giấy bạc để gói riêng từng loại thực phẩm.
Không để thức ăn nóng vào hộp
Nhiều người thường không chờ thức ăn nguội mà cho thức ăn vào hộp ngay khi còn nóng. Tuy nhiên, khi thức ăn nóng sinh nhiệt sẽ khiến các món dễ bị nát trong quá trình bảo quản. Ngoài ra, chúng dễ bị hấp hơi, đây là nguyên nhân khiến cho đồ ăn nhanh bị hỏng, có mùi chua, thiu sau đó.
Đặc biệt, nếu cho thức ăn nóng vào hộp nhựa, nhất là những loại nhựa tái chế, trong thời gian dài sẽ sản sinh ra nhiều chất độc hại. Khi đi vào cơ thể, những chất này sẽ len lỏi vào các cơ quan nội tạng, đi vào máu, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Điều đáng nói, nguy cơ gây bệnh có thể chưa xuất hiện ngay trước mặt mà tích lũy dần thành những bệnh mãn tính, khi phát bệnh thì đã muộn.
Không ăn lại thức ăn qua đêm
Thức ăn khi đã để qua đêm chất lượng sẽ không còn được đảm bảo, dinh dưỡng cũng bị hao hụt, thậm chí còn gây rối loạn tiêu hóa. Theo đó, mọi món ăn sau khi nấu chín có thể để được ở nhiệt độ bên ngoài trong 2 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, các vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh về số lượng cũng như sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ngộ độc.
Vì vậy, nếu thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C. Trong trường hợp bảo quản thực phẩm dưới 5 độ C, tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1 - 2 ngày. Sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc.
Ngoài ra, việc bảo quản nhiều loại thức ăn sống và thực phẩm chín cùng lúc trong tủ lạnh cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm.
Điển hình những món ăn được nấu từ đậu phụ, hải sản, trứng nên hạn chế dùng khi đã để qua đêm bởi protein có thể biến đổi hoặc sản sinh ra vi khuẩn gây hại. Các loại rau có màu xanh như cần tây, chân vịt thường chứa hàm lượng nitrit rất cao. Để thừa qua đêm sẽ sản sinh ra nitrit, là chất đã được WHO công nhận có khả năng gây ung thư.
Tốt nhất, nên nấu đồ ăn mới vào buổi sáng, rồi bảo quản cẩn thận và mang đi làm để ăn trưa.
Việc ăn uống phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề như sở thích, điều kiện kinh tế, sự hiểu biết về dinh dưỡng, do vậy mỗi người sẽ có sự lựa chọn khác nhau về thực phẩm. Tuy nhiên, ở góc độ dinh dưỡng, với bất kể loại thực phẩm nào khi chế biến cũng cần nghĩ cách để vừa có món ăn ngon, vừa có thật nhiều dinh dưỡng là tốt nhất.
>> 7 loại thực phẩm không nên ăn vào buổi tối để có một giấc ngủ ngon