Mạnh tay cắt giảm trích lập dự phòng, một ngân hàng báo lãi trước thuế tăng 25% so với cùng kỳ
Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngân hàng này thực hiện được 45% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Mã chứng khoán: SGB) báo lãi trước thuế hơn 98 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 22 tỷ đồng (giảm đến 59% so với cùng kỳ).
Trong quý II, hầu hết mảng hoạt động của Saigonbank đều ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 6% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 225 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 26%, xuống còn gần 5 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ không biến động nhiều khi chỉ tăng nhẹ 1%, lên gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động khác mang về khoản lãi gần 23 tỷ đồng cho Saigonbank, gấp 2,4 lần so với quý II/2023.
Trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng 6,5% so với cùng kỳ, đạt 142 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng giảm 9%, xuống còn hơn 120 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 68 tỷ đồng, giảm mạnh tới 35% so với cùng kỳ. Kết quả này đã kéo lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm giảm 9%, còn 166 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu đạt 368 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2024, kết thúc quý II, Saigonbank thực hiện được 45% kế hoạch.
>> VietABank (VAB) báo lợi nhuận trước thuế gần 580 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10%
Kết quả kinh doanh của Saigonbank. Nguồn: BCTC quý II/2024 |
Tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng tài sản của Saigonbank đạt 32,412 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 2%, lên 20,319 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng đạt 23,513 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với cuối năm trước.
Chất lượng nợ vay của Saigonbank cũng đi lùi so với đầu năm. Theo đó, tổng nợ xấu cuối tháng 6 đã ở mức 518 tỷ đồng, tăng 28%. Riêng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp 4,5 lần, lên hơn 162 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 12,1%, còn gần 120 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 1,6%, lên 236 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 2,03% đầu năm lên 2,55%.