Khan hiếm nguồn cung giá rẻ cùng với việc giá thị trường bất động sản ngày càng tăng cao đã khiến cho những người dân lao động ngày càng "hẹp cửa" mua nhà ở.
Hiện nay, thực trạng không có nhà ở xã hội dành cho người dân có thu nhập thấp đang diễn ra ngày càng phổ biến và “nóng” nhất tại TP. HCM.
Và trong văn bản về “Kiến nghị một số giải pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản”, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã hoan nghênh, ủng hộ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng rất toàn diện, đồng bộ, sát với thực tiễn nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn bền vững.
Sự khan hiếm về nguồn cung nhà ở giá rẻ
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều người tại TP. HCM đã “sốc” với việc không có căn hộ giá rẻ nào còn xuất hiện trên thị trường. Có nghĩa việc người dân lao động nỗ lực tích góp, dành dụm tiền của để sở hữu một nơi “an cư lập nghiệp” đang dần đóng lại.
Theo số liệu được HoREA công bố, hiện số lượng chung cư phân khúc cao cấp là 7577 căn chiếm 80,13%, phân khúc trung cấp là 1879 căn chiếm 18,97% còn đáng buồn nhất phân khúc bình dân (nhà ở xã hội) không có căn nào xuất hiện trên thị trường chiếm 0%.
Qua số liệu trên, có thể thấy hiện các doanh nghiệp bất động sản xây dựng các dự án hướng đến người giàu, còn đối với những người dân có thu nhập thấp dường như họ không hề quan tâm đến.
Trong năm 2021, giá bất động sản nói chung và giá nhà ở nói riêng vẫn liên tục tăng từ đầu năm, trong đó: giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I-II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, “sốt giá” đất nền tại một số địa phương.
Đến 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối Quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng Quý II.
Sự chênh lệch lớn trong nguồn cung bất động sản đã gây nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế và an sinh xã hội của cả nước. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ đạo phải phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững. Muốn giải quyết vấn đề tồn đọng, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở; có người đến ở thì mới có người đến nhà. Từ đấy thị trường bất động sản mới phát triển bền vững được.
Để hiểu rõ hơn, nếu trong trường hợp có quá nhiều dự án chung cư được phê duyệt và xây dựng lên nhưng người dân lao động, đặc biệt là những người dân có mức thu nhập không quá cao sẽ dẫn đến mất cân bằng trong cung - cầu.
Như dữ liệu mà HoREA công bố, phân khúc bình dân không xuất hiện trên thị trường dẫn đến tình trạng người dân lao động đặc biệt là những người dân có nguồn tài chính không dư giả khó lòng có thể với tới những căn hộ trung cấp hay cao cấp.
Cánh cửa mua nhà đang dần “khép lại”
Không chỉ nguồn cung bất động sản giá rẻ đang dần hạn hẹp đi, người dân dường như ngày càng “hẹp cửa” cửa nhà khi giá nhà đã tăng cao trong khi thu nhập eo hẹp.
Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) đạt 4,2 triệu đồng và giảm 1% so với năm 2020.
Với mức thu nhập kể trên, để một gia đình cơ bản (vợ/chồng/2 con) có thể sinh sống được ở thành phố đã “thu không đủ bù chi”. Hiện tại, giá thuê nhà, tiền điện, tiền xăng, điện thoại, học phí….ngày càng gây áp lực lên túi tiền người dân khiến khả năng tiết kiệm với nguồn thu eo hẹp để có thể mua nhà khá xa vời.
Hay nói cách khác, với mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại, việc những gia đình cơ bản mong muốn sở hữu những căn hộ để an cư là điều rất khó. Nửa đầu năm 2022, khi những số liệu “sốc” về tình trạng nhà ở thu nhập thấp được công bố thì câu hỏi lớn nhiều người nghèo đang băn khoăn là: “Phải sống đến bao nhiêu tuổi mới có được căn hộ riêng?”.
Thấu hiểu sự mất cân xứng trong cung - cầu bất động sản, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn không chỉ cho doanh nghiệp bất động sản mà còn cho cả người dân nữa. Theo chỉ đạo, ngay từ tháng 7 này, cơ quan sở ban ngành liên quan phải cố gắng rà soát, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc về vốn, thủ tục hành chính, nhân lực, tài sản trên đất…. để tăng nguồn cung bất động sản trên các địa bàn.
Văn phòng Chính phủ cần phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp về các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng cũng đặc biệt yêu cầu cần xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu, như bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhà ở thu nhập thấp để có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp. Thủ tướng nhấn mạnh: “Sẽ không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Việc tập trung xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như cải tạo xây dựng lại nhà chung cư,nhà ở thu nhập thấp sẽ giúp người lao động dễ dàng hơn trong việc sở hữu căn nhà phù hợp với thu nhập bản thân, giúp cho thị trường bất động sản không còn rơi vào tình trạng cung - cầu mất cân bằng giúp bất động sản có thể phát triển bền vững hơn.