Mặt đất phồng rộp, giếng dầu hóa ‘ngòi nổ’: Mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ có nguy cơ trở thành ‘vùng nước chết’
Việc xử lý nước thải ở lưu vực Permian đang làm tăng áp lực dưới lòng đất, đe dọa cản trở sản xuất dầu.
Các cơ quan quản lý năng lượng bang Texas vừa phát đi cảnh báo về hiện tượng gia tăng áp suất ngầm “trên diện rộng” tại lưu vực Permian – khu vực khai thác dầu lớn nhất nước Mỹ.
Nguyên nhân được xác định là do hoạt động bơm nước thải từ quá trình khai thác dầu đá phiến trở lại lòng đất. Diễn biến này không chỉ đe dọa sản lượng khai thác dầu mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại đến môi trường.

Tại Permian, mỗi giếng dầu đá phiến có thể tạo ra hàng triệu gallon nước thải chứa hóa chất. Thay vì xử lý, các công ty thường bơm lượng nước thải này xuống các tầng địa chất nông hoặc sâu dưới lòng đất. Trong nhiều năm, người dân địa phương và các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ rò rỉ chất độc.
Giờ đây, Ủy ban Đường sắt Texas (RRC) – cơ quan quản lý dầu khí quyền lực nhất bang – đã chính thức thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề và ban hành các biện pháp hạn chế mới, có thể đẩy chi phí sản xuất dầu tăng cao.
Theo tài liệu được thu thập, nhiều tập đoàn năng lượng lớn như Chevron, BP, Coterra Energy, cùng các công ty xử lý nước như Waterbridge Operating và NGL Energy Partners, đã nhận được thông báo từ RRC về tình trạng áp suất tăng trong các hồ chứa nước thải. Những thông báo này đi kèm với yêu cầu bổ sung trong quy trình cấp phép các giếng xử lý nước thải mới.
Khoảng 5 năm trước, sau khi phát hiện việc bơm nước sâu gây động đất, các công ty đã chuyển sang bơm nước vào các tầng đá nông hơn. Tuy nhiên, hiện tại, khối lượng nước thải quá lớn đã vượt khả năng hấp thụ của các tầng đá, gây tràn ngược vào các giếng dầu cũ, thậm chí làm mặt đất phồng lên, nứt toác – đe dọa nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi.
Các biện pháp hạn chế mới áp dụng cho cả các tầng sâu và nông, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng xử lý nước thải – như vận chuyển xa hơn, tái chế nhiều hơn hoặc chi trả để làm sạch. Đây đều là những lựa chọn tốn kém, nhất là tại Permian – nơi đóng góp gần một nửa sản lượng dầu thô toàn nước Mỹ.
Điều này càng khiến các nhà sản xuất trong nước thêm áp lực, trong bối cảnh giá dầu thấp và trữ lượng các điểm khai thác tiềm năng đang cạn dần, bất chấp các cam kết “thống trị năng lượng” từng được chính quyền Trump đưa ra.
RRC đã cập nhật nội dung trong thư gửi các công ty, nhấn mạnh rằng việc xử lý nước thải tại tầng Delaware Mountain Group – khu vực khai thác sôi động phía tây Permian – “gây ra sự gia tăng áp suất hồ chứa trên diện rộng, có thể không phù hợp với lợi ích công cộng và đe dọa tài nguyên khoáng sản và nước ngọt tại Texas”.
Ủy ban cũng thừa nhận tình trạng “nguy cơ sự cố khoan, tổn thất sản lượng, dòng chảy mất kiểm soát, biến dạng bề mặt và hoạt động địa chấn đã được ghi nhận”.

Bắt đầu từ tháng tới, RRC sẽ siết chặt giới hạn áp suất nước và yêu cầu các công ty đánh giá lại những giếng dầu cũ hoặc chưa bịt kín trong phạm vi bán kính gần gấp đôi so với trước – lên đến 800 mét từ giếng xử lý nước thải.
Trong khi BP và Coterra từ chối bình luận, người phát ngôn của Chevron, bà Paula Beasley, cho biết tập đoàn đang đi đầu trong quản lý nước thải tại Permian và ủng hộ quy định mới của RRC. Chevron hiện sử dụng nước tái chế và nước lợ cho toàn bộ hoạt động fracking (khoan thủy lực), đồng thời nghiên cứu các giải pháp xử lý nước thải để tái sử dụng.
BP gần đây cũng đã ký hợp đồng 10 năm với WaterBridge để vận chuyển nước thải ra khỏi vùng khai thác trọng điểm ở quận Reeves, Texas.
Với sản lượng khoảng 6,7 triệu thùng/ngày, Permian hiện vượt cả Iraq và Kuwait cộng lại. Nhưng để khai thác mỗi thùng dầu, các công ty phải xử lý từ 3 đến 5 thùng nước thải độc hại – và việc bơm ngược xuống lòng đất là giải pháp tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, các tầng địa chất nông – nằm giữa các lớp đá phiến giàu dầu – đang bị quá tải do hệ thống giếng khoan cũ dày đặc, nhiều trong số đó đã bị bỏ hoang hoặc bịt không đúng kỹ thuật.
Hệ quả là áp suất tăng khiến chất lỏng độc hại rò rỉ vào các giếng dầu, như vụ việc tại quận Culberson, buộc Coterra phải ngừng khai thác tạm thời. Công ty cho biết đang gia cố lại giếng bị ảnh hưởng và khẳng định sự cố sẽ không ảnh hưởng đến trữ lượng dài hạn.
Tuy nhiên, bà Sarah Stogner, hiện là công tố viên khu vực tại ba quận ở West Texas, cho rằng điều này không bất ngờ. Từ năm 2021, bà đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng tăng áp suất ngầm sau khi một chủ đất phát hiện dầu và khí rò rỉ từ các giếng bỏ hoang. Những cảnh báo này bị RRC phớt lờ, với lý do đơn giản là giếng bị bịt sai kỹ thuật.

Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra gần Imperial, Texas, khi một giếng cũ phun nước độc cao hơn 30 mét suốt hai tuần. Các nhà khoa học từ Đại học Southern Methodist sau đó phát hiện mặt đất khu vực này đã bị đội lên đến 40 cm trong ba năm trước khi sự cố xảy ra, do ảnh hưởng của việc bơm nước thải từ các vị trí cách đó hàng kilômét.
Công ty phân tích SkyGeo cũng xác nhận mối liên hệ giữa bơm nước thải và hiện tượng biến dạng mặt đất.
Theo CEO Pieter Bas Leezenberg, “Việc bơm nước muối tạo ra áp suất bất thường, và nó sẽ tìm nơi yếu nhất để thoát ra”.
RRC cam kết các quy định mới sẽ đảm bảo chất thải được giữ trong các tầng địa chất đã định, tránh ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Nhưng với bà Stogner, đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy nhà chức trách cuối cùng đã phải thừa nhận quy mô của cuộc khủng hoảng.
“Họ từng phớt lờ chúng tôi”, bà nói. “Giờ thì họ không thể chối cãi nữa”.
Mỹ xem xét rút hơn 4.000 quân đồn trú khỏi Hàn Quốc
Mỹ siết Huawei, Trung Quốc nổi giận: Đàm phán thương mại hiện ra sao?