Harvard trước 'cơn bão' lớn nhất lịch sử: Ông Trump cấm tuyển sinh viên quốc tế, 'ép' họ lập tức chuyển trường
Chính quyền ông Trump vừa giáng một đòn mạnh vào Đại học Harvard khi rút giấy phép tuyển sinh du học sinh của trường, đồng nghĩa với việc sinh viên quốc tế sẽ không còn được học tập tại đây. Những sinh viên quốc tế đang theo học buộc phải chuyển trường hoặc đối mặt với nguy cơ mất tình trạng cư trú hợp pháp, theo thông báo từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm thứ 22/5.
Trong một tuyên bố, Chính phủ cáo buộc ban lãnh đạo Harvard đã "tạo ra môi trường học tập không an toàn, có tính chất thù địch đối với một bộ phận sinh viên, cổ vũ các quan điểm cực đoan".
Việc bị cấm tuyển sinh viên quốc tế được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm áp lực tài chính với Harvard. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đóng băng hơn 2,6 tỷ USD tài trợ dành cho trường và cắt nguồn tài trợ trong tương lai.

Ông Trump thậm chí đề xuất tước quyền miễn thuế của Harvard – động thái mà nhà trường cảnh báo sẽ để lại "hậu quả nghiêm trọng cho tương lai giáo dục Đại học tại Mỹ".
Phản ứng trước quyết định này, Harvard tuyên bố hành động của Chính phủ là "vi phạm pháp luật". “Chúng tôi cam kết duy trì khả năng tiếp nhận sinh viên và học giả quốc tế – những người đến từ hơn 140 quốc gia và đóng góp to lớn cho trường cũng như nước Mỹ”, đại diện nhà trường khẳng định. Trường cho biết đang khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng.
Harvard hiện đang kiện nhiều cơ quan Liên bang sau khi bị yêu cầu cải tổ bộ máy quản trị, quy trình tuyển sinh và bổ nhiệm giảng viên, ngừng tiếp nhận sinh viên quốc tế bị cho là "thù địch với giá trị Mỹ", đồng thời bắt buộc trường đảm bảo "đa dạng quan điểm" trong khuôn viên.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem yêu cầu Harvard cung cấp hồ sơ các hành vi bạo lực hoặc bất hợp pháp liên quan đến sinh viên quốc tế trước ngày 30/4, nếu không sẽ bị rút giấy phép tham gia Chương trình Thị thực Sinh viên.
Theo số liệu của trường, hiện có khoảng 6.800 sinh viên quốc tế đang theo học tại Harvard, chiếm 27% tổng số sinh viên – tăng mạnh so với mức 19,6% vào năm 2006.
Bà Noem cho biết Harvard có thể được khôi phục giấy phép nếu cung cấp hồ sơ kỷ luật, video các cuộc biểu tình và thông tin liên quan đến hành vi bất hợp pháp của sinh viên trong vòng 5 năm qua – trong thời hạn 72 giờ. Trên sóng Fox News, bà còn cảnh báo chính quyền đang cân nhắc mở rộng lệnh cấm với các Đại học khác.
“Đây là lời cảnh tỉnh cho mọi trường Đại học: Hãy chỉnh đốn lại”, bà nhấn mạnh.
Đòn giáng vào toàn bộ hệ sinh thái học thuật
Harvard hiện có quỹ hiến tặng trị giá 53 tỷ USD – lớn nhất trong giới học thuật – nhưng phần lớn số tiền này đã được phân bổ cho các mục đích cụ thể như học bổng. Bên cạnh đó, Harvard và các trường danh tiếng như MIT, Yale cũng đang đối mặt với mức thuế đánh vào quỹ hiến tặng mới được Hạ viện Mỹ thông qua.
Hiệu trưởng Garber đã kêu gọi các cựu sinh viên quyên góp khẩn cấp để giúp trường duy trì hoạt động giảng dạy và nghiên cứu cốt lõi.

Nhiều dự án nghiên cứu trọng điểm có nguy cơ bị đình trệ giữa vòng xoáy chính trị - pháp lý kéo dài, bao gồm nghiên cứu về bệnh lao, chẩn đoán sớm bệnh ALS (xơ cứng teo cơ) và cải thiện hiệu quả điều trị ung thư bằng xạ trị. Harvard đã phải chi 250 triệu USD từ quỹ riêng để duy trì một số sáng kiến.
Không chỉ Harvard, lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế còn đe dọa nền kinh tế Massachusetts – vốn phụ thuộc vào hệ sinh thái do trường tạo ra. Sinh viên quốc tế không chỉ đóng học phí cao, mà còn tiêu dùng nhiều dịch vụ địa phương, thậm chí ở lại làm việc tại các bệnh viện, viện nghiên cứu và công ty công nghệ sinh học hàng đầu của bang.
>> OpenAI chi 6,5 tỷ USD thâu tóm ‘bộ não thiết kế iPhone’, Apple có nên lo lắng?
Chính quyền Tổng thống Trump thu hồi quyền tuyển sinh quốc tế của Đại học Harvard
Thành trì kinh tế Mỹ chao đảo vì căng thẳng giữa ông Trump và Đại học Harvard