“Phụp”! Tối om, chỉ còn nhếnh nháng bóng đèn pha của ô tô, xe máy lướt qua chiếu vào nhà.
Lọ mọ bấm đèn pin điện thoại, mò tìm nến thắp lên, gió nóng ào vào ngọn nến đảo như người lên đồng, tiếng muỗi vo ve u u, tiếng trẻ con bật khóc nấc lên vì nóng.
Khu phố mất điện hầm hập như cái lò nung. Hơi nóng toả ra từ các khối bê tông, từ mặt đường nhựa cả ngày bị nắng nung tích lại giờ phả ngược ra. Bầu không khí thì nhiều độ ẩm làm da không thở được, cảm giác thật bí bách, ngồi không cũng nhớp nháp mồ hôi. Nhà nào đang ăn cơm muộn thì coi như bỏ bữa luôn.
Thiếu điện gây mất điện đột ngột không theo thông báo từ điện lực do nhiều lý do làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, xí nghiệp, gây thiệt hại về sức khoẻ, tinh thần, kinh tế cho toàn xã hội. Thế mới thấy điện quan trọng đối với cuộc sống như thế nào?
Thời tiết đầu hè ở miền Bắc với đặc trưng khí hậu á nhiệt đới nóng ẩm, độ ẩm không khí cao, gây cảm giác nóng bức bối, khó chịu. Mật độ xây dựng, bê tông hoá cao, khí thải từ phương tiện giao thông, từ điều hoà, máy lạnh càng làm tăng nhiệt độ không khí. Do đó, chỉ sau khi mất điện vài phút là dân tình kéo nhau ra ngoài tìm chỗ gần hồ nước, bể bơi, bóng cây phì phạch chiếc quạt, miệng than vãn kêu nóng liên tục.
Thế nhưng cũng vì mất điện mà hàng xóm lại thêm tình thân mến thân với nhau hơn. Bọn trẻ thì bấp chấp sự oi nóng chạy nhảy nô đùa với nhau nhễ nhại mồ hôi. Các bà, các chị thì túm năm tụm ba vừa quạt tay cho bọn trẻ nhỏ, vừa tám đủ mọi chuyện. Cánh đàn ông thì cởi trần ngồi quây quanh bàn nước trà bàn đủ chuyện từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới, chiến sự Nga - Ukraine, nhưng câu chuyện nói nhiều nhất vẫn là về chủ đề về điện.
Anh Vinh - Cựu máy trưởng tàu biển ca cẩm:
- Nóng thế này đi tàu dưới hầm máy còn thích hơn. Bây giờ hầm máy tàu cũng điều hoà mát rượi.Mấy ông EVN cố tình cắt điện cho thấy sự quan trọng của điện để tăng giá cho dễ đây, nghe bảo, tháng 9 năm nay lại tăng tiếp.
Chú Trọng cướp lời ngay:
- Không phải anh ạ, cậu em làm bên điện lực báo thiếu điện do thuỷ điện cạn nước, nhiều hồ thuỷ điện nước chạm mức nước chết, năm nay trời hạn mưa ít lại muộn chưa có lũ đầu mùa nên thiếu nước chạy máy. Chứ mất điện thế này nhân viên ngành điện vất vả lắm, đêm hôm, ngày nghỉ làm liên miên để khắc phục sự cố. Cậu em vợ em đến ngày 1/6 cũng không đưa được con đi chơi, về đến nhà đã 3 giờ sáng, lúc nào quần áo cũng đẫm mồ hôi vất lắm.
Anh Tự thì bảo:
- Gớm, khổ với vất vả thì toàn đội lính tráng, anh em kỹ thuật trực điện chứ các ngài bên trên vẫn chăn ấm, đệm yêm mát rượi rồi nghĩ cách tăng giá thôi. Mà thấy đội làm năng lượng tái tạo cứ kêu là EVN không cho đấu nối để bán điện mà gây đủ khó khăn rồi đi mua điện từ Trung Quốc với Lào.
Anh Vinh đập phành phạch cái mảnh bìa làm quạt mo vào đùi:
- Muỗi lắm thế. Không biết sao mà nó nhằm tớ nó đốt, sao không mà đi đốt bọn tham nhũng béo núc ấy đi cứ nhằm người gầy đốt. Mua đâu cũng được, cứ đủ điện cho dân dùng có giá cao tí cũng chịu được, chứ nóng bức như thế này khổ nhất bọn trẻ con. Đứa cháu đi mẫu giáo mà lớp mất điện như cái lò hầm, đón cháu về mà trông mặt nó nhợt ra đến tội.
Chị Lan te tái tươi cười chạy đến:
- Mời các bác xơi mấy quả vải thiều đầu mùa em mới về quê Hải Dương mang xuống, để tủ lên vẫn còn lạnh đây, các bác ăn cho hạ hoả.
Mất điện nên xóm phố lại vui. Mọi người lại gần gũi nhau hơn. Mỗi nhà góp một ít đồ cầm ra cả xóm cùng ăn, kể nhau nghe đủ chuyện trên trời dưới bể, tình thân mến thân hơn trước rất nhiều. Có cô còn còn chế thơ như thời bao cấp: Lắm tiền giàu có, không bằng làn gió điều hoà” hay “Mất của, mất tiền không bằng mất điện”…, để đến khi có điện thì tất cả cùng ồ lên sung sướng vỗ tay reo hò như “điện về làng”, vui phấn khởi như đi chơi hội.
Chị Lan to béo, ăn khoẻ nói to, ngồi cách chúng tôi khá xa mà giọng vẫn khanh khách:
- Ối giời ơi! Nhà tớ đi Hạ Long vì đã mấy mùa than em chưa về với biển, ra đến nơi thì điện mất tèm lem, tà la, cả đoàn dắt díu nhau đi vạ vật ngoài hành lang. Còn có khách đang đi dính cáp treo mất điện, thang máy mất điện cứ gọi là hú vía lại phi vội về, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, về đến nhà thì lại gặp quả “tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố. Ra đường bây giờ gặp nhau câu hỏi nhà có điện chưa tự dưng thành câu cửa miệng.
Chú Hồi cứ ngồi trầm ngâm mãi mới lên tiếng:
- Xưởng của tôi mãi mới có đơn hàng, đang tập trung sản xuất thì điện đóm phập phù thế này thiệt hại lắm, lại còn lo chậm tiến độ giao hàng bị phạt hợp đồng thì không biết xoay đâu. Cũng biết EVN xoay xở nhiều chỗ, nhờ cả bên khí, điện, đạm giảm sản xuất đạm ưu tiên dùng khí phát điện, nhưng cũng khó vì mắc hợp đồng mà cũng vẫn chưa đủ. Nhu cầu dùng điện thì cứ tăng lên hàng năm, mà hạ tầng ngành điện chưa đi trước mà cứ chạy theo vá víu. Cứ nói điện gió, điện mặt trời, nhưng ở miền Bắc có bao nhiêu ngày đủ nắng để đầu tư hạ tầng, gió thì là của trời cũng lúc có lúc không. Phải song hành điện truyền thống với năng lượng tái tạo mới có khả thi. Quy hoạch điện VIII cũng đã vạch được lộ trình, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Mất điện mà ngồi nghe thêm được khối chuyện. Ấn tượng nhất là kết luận của chú Hồi - Giám đốc công ty cơ khí - là việc người dân nên có hướng để lo cho mình trước. Xây dựng nhà bây giờ phải tính thiết kế để lắp hệ thống điện mặt trời gia đình có thể phục vụ được cho sinh hoạt gia đình. Nếu thừa còn có thể bán lại cho EVN thì thật là một công đôi việc.