Xã hội

Du lịch bền vững: ‘Hộ chiếu xanh’ cho tương lai du lịch Việt Nam

Linh Chi 17/05/2025 08:00

“Du lịch xanh không còn là lựa chọn mang tính thời điểm, mà là con đường sống còn của ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường toàn cầu", TS Phạm Hà nhấn mạnh.

Du lịch xanh là tất yếu

Những năm gần đây, du lịch xanh không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, phát huy các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa, đồng thời phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và những hậu quả rõ ràng từ du lịch đại trà, khái niệm “du lịch xanh” không chỉ là lựa chọn mang tính thời điểm mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. Để ngành du lịch có thể tồn tại và phát triển bền vững, việc chuyển hướng sang du lịch xanh là một điều bắt buộc.

Du lịch bền vững: ‘Hộ chiếu xanh’ cho tương lai du lịch Việt Nam - ảnh 1
TS Phạm Hà - Chủ tịch LuxGroup. Ảnh: NVCC

Tại diễn đàn, TS Phạm Hà - Chủ tịch LuxGroup, đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc và thực tế về du lịch xanh. Ông cho rằng, du lịch Việt Nam phát triển dựa trên bốn trụ cột là văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực và con người. Để du lịch xanh phát triển bền vững, tất cả các yếu tố này cần phải tuân thủ các nguyên tắc về năng lượng sạch, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Chủ tịch LuxGroup cũng nhấn mạnh rằng, du lịch xanh không chỉ dừng lại ở việc phủ xanh không gian bằng cây cối hay duy trì vệ sinh môi trường mà còn phải hướng đến mục tiêu Net Zero – sử dụng năng lượng tiết kiệm và năng lượng sạch.

Con đường khó nhưng bắt buộc phải đi

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển du lịch xanh, LuxGroup đã đăng ký và thực hiện các tiêu chuẩn của Travelife – chứng nhận bền vững uy tín được công nhận bởi GSTC (Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu) và UN Tourism. Đây là kim chỉ nam để LuxGroup hướng đến một mục tiêu bền vững, thông qua việc chuẩn hóa quy trình nội bộ, kết nối đối tác quốc tế và phát triển các giá trị bền vững.

Đặc biệt, 80% khách hàng của LuxGroup đến từ các thị trường Âu, Mỹ và Úc – những khách hàng ưu tiên các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, như giảm phát thải, hỗ trợ cộng đồng và bảo tồn văn hóa địa phương. Theo khảo sát của Booking.com vào năm 2023, 74% du khách toàn cầu mong muốn tham gia vào du lịch bền vững, nhưng vẫn thiếu lựa chọn rõ ràng. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiên phong trong việc định hướng thị trường.

Du lịch bền vững: ‘Hộ chiếu xanh’ cho tương lai du lịch Việt Nam - ảnh 2
LuxGroup đã đăng ký và thực hiện các tiêu chuẩn của Travelife – chứng nhận bền vững uy tín được công nhận bởi GSTC (Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu) và UN Tourism. Ảnh: NVCC

Với mục tiêu phát thải ròng tích cực (Net Positive Impact) vào năm 2030, LuxGroup đang theo đuổi mô hình ESG (Environmental, Social, Governance), không chỉ để trung hòa carbon mà còn tạo ra giá trị bổ sung cho môi trường và cộng đồng. Tuy nhiên, theo CEO của LuxGroup, việc đi theo xu hướng này không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp du lịch.

Đầu tiên, vấn đề kinh tế là một thách thức lớn. Việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường đòi hỏi chi phí lớn và thời gian hoàn vốn dài. Bên cạnh đó, nhận thức về du lịch xanh chưa đồng đều trong toàn bộ chuỗi cung ứng và thị trường. Thuyết phục các đối tác, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, cùng cam kết hành động vì tiêu chuẩn xanh vẫn là một bài toán khó, cần được giải quyết qua các hình thức đối thoại, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.

Sản phẩm du lịch xanh cũng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh do giá thành cao, khiến cho du lịch bền vững trở nên khó tiếp cận với thị trường đại chúng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược định vị giá trị và truyền thông rõ ràng. Ngoài ra, tại Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch xanh vẫn chưa được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến họ e ngại trong việc chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh.

Du lịch bền vững: ‘Hộ chiếu xanh’ cho tương lai du lịch Việt Nam - ảnh 3
Du lịch Việt Nam phát triển dựa trên bốn trụ cột là văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực và con người. Ảnh: NVCC

Khẳng định thương hiệu du lịch quốc gia - Việt Nam điểm đến xanh

Mặc dù với doanh nghiệp, chuyển đổi xanh không phải là con đường dễ dàng nhưng LuxGroup và nhiều đơn vị khác đã và đang hành động vì trách nhiệm với thiên nhiên, cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ mỗi doanh nghiệp du lịch là không đủ. Theo TS. Phạm Hà, sự thay đổi chỉ từ phía doanh nghiệp là chưa đủ, chính điểm đến cũng cần phải “xanh”. Đây mới là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Du lịch bền vững không thể tách rời khỏi điểm đến bền vững. Suy cho cùng, trải nghiệm xanh, trách nhiệm và hạnh phúc của du khách được quyết định bởi chính nơi họ đặt chân đến, từ môi trường sinh thái, văn hóa bản địa cho tới cách cộng đồng địa phương đón tiếp và cùng phát triển", ông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh toàn cầu, khi nhiều quốc gia đã nhanh chóng định vị mình là “điểm đến hạnh phúc” (happiness destinations), Việt Nam càng cần một chiến lược rõ ràng để trở thành quốc gia du lịch có trách nhiệm và đáng sống. Điều này không chỉ giúp thu hút mà còn giữ chân du khách thông qua các giá trị bền vững và cảm xúc tích cực. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Chúng ta không nên chỉ bán cảnh đẹp mà phải truyền tải cả lối sống, bản sắc văn hóa và tinh thần hạnh phúc. Đó chính là điều mà những du khách cao cấp trên thế giới đang tìm kiếm. Để làm được điều đó, TS Phạm Hà cho rằng cần có sự đồng lòng từ chính sách, doanh nghiệp, điểm đến cho đến người dân địa phương – tất cả phải cùng hướng đến một tầm nhìn chung và hành động cụ thể.

Ông đề xuất Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chí quốc gia về “điểm đến xanh”, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái, văn hóa và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc ưu tiên bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng là nền tảng để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài cho toàn ngành du lịch.

>> CEO Phạm Hà: Du lịch Việt Nam cần có 'kỷ nguyên mới' văn minh, chuyên nghiệp hơn

Ba tỉnh sở hữu di sản UNESCO 'bắt tay', đưa du lịch xanh 'cất cánh' từ giá trị di sản thế giới

Nhà đầu tư giàu tiềm lực, tâm huyết sẽ đưa Cát Bà thành đảo du lịch xanh toàn diện

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/du-lich-ben-vung-ho-chieu-xanh-cho-tuong-lai-du-lich-viet-nam-140285.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Du lịch bền vững: ‘Hộ chiếu xanh’ cho tương lai du lịch Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH