Xã hội

Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước

Linh Chi 17/05/2025 09:00

Bà Hoàng Thị Loan mất khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 33 tuổi, nhưng bà đã sống cuộc đời vô cùng ý nghĩa. Cuộc đời bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân và trong lịch sử đất nước.

Người phụ nữ Việt "công, dung, ngôn, hạnh"

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học, có truyền thống yêu nước tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, bà Hoàng Thị Loan từ thuở nhỏ đã thấm nhuần lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Cùng với đó, bà được nuôi dưỡng những phẩm chất cao quý như lòng vị tha và sự yêu thương con người. Bà còn rất khéo léo, giỏi giang, từ công việc đồng áng đến nghề dệt vải.

Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước - ảnh 1
Bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Internet.

Bà Hoàng Thị Loan phải lòng chàng trai nghèo mồ côi Nguyễn Sinh Sắc. Vượt qua định kiến, tình yêu giữa bà và ông Sắc vẫn nở hoa, kết trái ngọt. Năm 22 tuổi, bà là mẹ của ba người con, gồm Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung.

Trong căn nhà tranh đơn sơ, mỗi ngày ông Sắc miệt mài với việc học, trong khi bà Loan lo toan việc đồng áng, dệt vải và chăm sóc gia đình. Mặc dù cuộc sống gian khó, bà luôn là hậu phương vững chắc, động viên chồng theo đuổi việc học và lý tưởng của mình. Bà giữ gìn phẩm hạnh của người phụ nữ truyền thống Việt Nam, luôn hết lòng vì gia đình, vun vén cho chồng con.

Năm 1895, khi ông Nguyễn Sinh Sắc được cử vào Huế. Bà Hoàng Thị Loan nén lòng, gửi con gái lớn ở lại quê, mang theo hai con trai nhỏ vượt qua bao gian khó vào Huế cùng chồng. Tại đây, bà tiếp tục nghề dệt vải để lo toan cho gia đình.

Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước - ảnh 2
Khung cửi gắn liền với cuộc đời bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Internet.

Năm 1900, bà sinh thêm con trai, đặt tên là Nguyễn Sinh Xin. Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, chồng đi coi thi ở Thanh Hóa, bà lâm bệnh nặng. Dù được con trai Nguyễn Sinh Cung cùng bà con lối xóm tận tình thuốc thang, nhưng do căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe quá yếu, bà qua đời vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức năm 1900). Khi ấy, con trai út vừa mới được 4 tháng, Nguyễn Sinh Cung mới lên 10.

Tưởng nhớ bà Hoàng Thị Loan

Bà Hoàng Thị Loan mất khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 33 tuổi, nhưng bà đã sống cuộc đời vô cùng ý nghĩa. Cuộc đời bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân và trong lịch sử đất nước. Bà là tấm gương sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam, là hình mẫu của sự hy sinh và lòng yêu nước.

Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước - ảnh 3
Mộ bà Hoàng Thị Loan ở Nghệ An. Ảnh: Internet.

Sau khi bà qua đời vào năm 1922, con gái Nguyễn Thị Thanh đã đưa hài cốt bà về an táng tại vườn nhà ở làng Sen.

Năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã quyết định chuyển mộ bà về núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ, làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một vùng đất nên thơ, hữu tình.

Vào năm 1942, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã nhờ họ hàng đào 9 huyệt mộ trên núi Động Tranh và đưa hài cốt của bà về an táng ở đó một cách bí mật. Chỉ đến tháng 11/1946, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, ông mới tiết lộ vị trí chính xác ngôi mộ của mẹ.

Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước - ảnh 4
Mộ bà Hoàng Thị Loan có vị trí đặc biệt. Ảnh: Internet.

Ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, từ đây sẽ bao quát một vùng rộng lớn, bao gồm cả huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đức Thọ, Hương Sơn - những vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng. Không những thế, tại vị trí này còn có thể nhìn thấy xã Kim Liên, nơi bà sinh ra và gắn bó. Nơi đây chỉ cách quê hương bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Thị Kép, chưa đầy 2km.

Phần mộ của bà Hoàng Thị Loan được xây dựng trang nghiêm và ý nghĩa. Lối lên ngôi mộ có 269 bậc thang, con số 69 tượng trưng cho năm 1969, năm Bác Hồ mất. Bên phải là lối xuống có 242 bậc thang, con số 42 tượng trưng cho năm 1942. Phía trước mộ là 33 bậc, thể hiện tuổi đời của bà khi qua đời.

Mộ bà được ốp bằng đá hoa cương và đá cẩm thạch liền khối, tạo nên sự bền vững và trang trọng. Phần trên mộ được thiết kế theo hình khung cửi cách điệu gợi nhớ đến công việc dệt vải mà bà đã làm suốt đời để nuôi chồng, nuôi con. Phía sau là bức phù điêu bằng đá trắng, khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tượng trưng cho vẻ đẹp và nhân cách thuần khiết của bà.

Xung quanh ngôi mộ là những giàn hoa giấy cách điệu hình khung cửi. Đặc biệt, có hai cụm cây hoa giấy lấy giống từ Huế – nơi bà qua đời – và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Ngoài ra, trước mộ còn có nhiều cây xanh tạo nên không gian thanh tịnh.

Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước - ảnh 5
Thác 9 Tầng. Ảnh: Khu di tích Kim Liên.

Một điểm nhấn quan trọng của khu mộ là Thác 9 Tầng, sẽ được khánh thành vào tháng 5/2025, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Người. Thác này được lấy cảm hứng từ dòng suối nhỏ chảy qua mộ bà và mộ Nguyễn Sinh Xin – con trai út của bà. Mỗi tầng nước mang thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng.

Thác 9 Tầng còn được thiết kế với những chi tiết quen thuộc trong cuộc sống bà Hoàng Thị Loan như chiếc gương, khăn vấn, hoa sen, giếng nước, cổng làng... Tất cả những yếu tố này hòa quyện trong không gian yên bình, tạo nên một bức tranh sinh động, phản chiếu cuộc sống giản dị nhưng cao quý của bà Hoàng Thị Loan nói riêng và của những người phụ nữ Việt Nam.

Hàng năm, nơi đây thu hút hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tri ân, tưởng niệm. Khi đến thăm nơi này, du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên làng quê yên bình, đồng thời cảm nhận được sự tôn kính, linh thiêng của vùng đất địa linh nhân kiệt.

*Tổng hợp

>>Tượng Bác Hồ bằng đồng nặng 6 tấn sắp được khánh thành tại Làng Sen

Vùng đất duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng ngay khi Người còn sống: Từng là huyện nghèo, nay vươn mình thành đảo ngọc ở vùng Đông Bắc Tổ quốc

Vị tướng huyền thoại trong lịch sử Không quân nước nhà: 25 tuổi trở thành phi công Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay nhất, vinh dự được tặng 9 huy hiệu Bác Hồ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nguoi-me-vi-dai-cua-chu-tich-ho-chi-minh-qua-doi-khi-chi-moi-33-tuoi-nhung-de-lai-dau-an-sau-dam-trong-lich-su-dat-nuoc-142437.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH