Thị trường máy bay điện đang trở nên ngày càng sôi động với sự gia nhập của các công ty khởi nghiệp và những “ông lớn” trong ngành hàng không. Thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Vận tải hàng không nói riêng và lĩnh vực du lịch nói chung là một trong những yếu tố đóng góp lớn vào sự gia tăng lượng khí thải carbon trên toàn thế giới. Trước sự phát triển bùng nổ của xe máy và ô tô điện, tương lai của máy bay điện hoàn toàn là điều có thể hình dung ra trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và thay thế bằng năng lượng sạch.
Cuộc đua máy bay điện “nóng” lên từng ngày
Mới đây, chiếc máy bay điện Alice do công ty Eviation Aircraft của Israel chế tạo đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên từ sân bay quốc tế Hạt Grant, Washington, Mỹ. Chiếc máy bay điện không phát thải di chuyển ở độ cao 1.066m và kéo dài trong 8 phút.
Với công nghệ pin tương tự như xe điện hoặc điện thoại di động và thời gian sạc 30 phút, Alice có thể chở tối đa 9 hành khách và bay trong một đến hai giờ. Dựa trên công nghệ pin ngày nay, Eviation đang nhắm mục tiêu phạm vi hoạt động của máy bay điện Alice là 814,88km.
Gần đây nhất, vào tháng 4, Eviation đã tuyên bố rằng Alice có tốc độ hành trình tối đa xấp xỉ 462km/h, bằng khoảng một nữa so với vận tốc hành trình tối đa của một chiếc Boeing 737 (vào khoảng 946 km/h).
Được biết, công ty vận chuyển quốc tế DHL đã đặt 12 chiếc máy bay Alice cho dịch vụ của mình, dự kiến nhận hàng năm 2024. Hãng hàng không CapeAir của Mỹ cũng đặt hàng máy bay Alice để đưa vào hoạt động trên các tuyến giữa Boston, Martha’s Vineyard, Nantucket và Hyannis.
Dòng máy bay điện Velis Electro của công ty Pipistrel tại Slovenia cũng là một trong những cái tên đáng chú ý. Đây là chiếc máy bay hạng nhẹ hai chỗ ngồi được thiết kế cho các trường dạy lái máy bay.
Chiếc máy bay này có một động cơ và có thể bay cao khoảng 3.657m với vận tốc tối đa là 181,86km/h. Một lần sạc đầy 100% pin là 2 tiếng và có thể bay trong khoảng 50 phút. Pipistrel cho biết pin của Velis Electro cần được thay thế sau khoảng 2.000 giờ bay và sẽ có một chỉ báo trên pin cho biết chính xác thời điểm cần thay thế. Giá của một cặp pin mới là khoảng 20.000 USD.
Đây là chiếc máy bay điện duy nhất trên thế giới được chứng nhận đầy đủ ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Kể từ khi được ra mắt vào năm 2020, nhà sản xuất Pipistrel cho biết họ đã bán được 100 chiếc máy bay điện Velis Electro với giá 175.500 USD.
Ngoài ưu điểm không thải carbon ra không khí, máy bay điện còn khá yên tĩnh. Âm thanh phát ra khi máy bay hoạt động chỉ ở khoảng 60 decibel, tương đương với một cuộc trò chuyện bình thường của con người.
Pipistrel đã được tập đoàn Textron của Mỹ (chủ sở hữu của các thương hiệu Cessna và Lycoming) mua lại vào năm nay. Máy bay Velis Electro hiện đang chờ Cục Hàng không Liên bang Mỹ phê duyệt để được sử dụng với mục đích thương mại ở Mỹ, thay vì chỉ với mục đích để đào tạo.
Dòng máy bay điện 19 ghế, chạy bằng pin và động cơ điện có tên ES-19 của hãng Heart Aerospace của Thụy Điển cũng đã nhận được đơn đặt hàng 200 chiếc từ hãng hàng không khổng lồ United Airlines và đối tác Mesa Air. Vừa qua, Heart Aerospace tiếp tục công bố kế hoạch triển khai mẫu ES-30 chạy hoàn toàn bằng điện, chở được 30 hành khách với thời lượng pin dự kiến giúp bay được 200km liên tục. Chuyến bay thử nghiệm dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2026.
Porsche “đặt cược” 63 triệu USD vào pin máy bay điện
Để giúp máy bay điện cất cánh, công ty pin Customcells của Đức cho biết họ đã nhận được khoản tài trợ Series A trị giá khoảng 63 triệu USD từ Porsche và một số nhà đầu tư công nghệ khí hậu.
World Fund, một công ty đầu tư mạo hiểm mới một năm tuổi hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về khí hậu ở châu Âu, đã dẫn đầu thỏa thuận này. Abacon Capital và Vsquared Ventures cũng tham gia.
Customcells phát triển và tái chế pin lithium-ion hiệu suất cao cung cấp năng lượng cho các sản phẩm như ô tô, thiết bị y tế và phát triển nhiên liệu hóa thạch. Công ty cũng sản xuất pin cho môi trường có nhiệt độ cao. Đối với vòng tài trợ này, Customcells có một mục tiêu cụ thể là đẩy nhanh quá trình đẩy mạnh "hàng không điện tử" cũng như mở rộng ra bên ngoài nước Đức, sang Mỹ và Châu Á.
Không có câu hỏi rằng du lịch hàng không có phải là một động lực thay đổi khí hậu đang nóng lên toàn cầu hay không. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn một chặng đường dài để khử carbon.
Một bài báo năm 2020 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester Metropolitan, NOAA và Oxford đã phát hiện ra rằng hàng không chiếm 3,5% tổng số hoạt động của con người dẫn đến biến đổi khí hậu. Di chuyển bằng đường hàng không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào dầu hỏa, thứ thải ra khí nhà kính (carbon dioxide và nitrogen oxide) và đầu độc con người bằng chì khi đốt cháy.
Một giải pháp thay thế cho mớ hỗn độn này có thể là máy bay chạy hoàn toàn bằng điện. Các máy bay điện nhỏ đã khả thi, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết pin ngày nay quá nặng để tự cung cấp năng lượng cho các máy bay lớn hơn. Thách thức về trọng lượng pin giải thích lý do tại sao một số công ty khởi nghiệp hàng không đang khám phá các loại nhiên liệu thay thế, bao gồm cả hydro.
Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
Vingroup (VIC) bắt tay PV Power (POW) phát triển hệ thống 1.000 trạm sạc xe điện trên toàn quốc