MBB: Khi những cổ đông "kiên cường" nhất phải "nhả hàng"

08-10-2022 09:22|Ba Lỗ

Từ mức 23.650 đồng thị giá (phiên 6/9), đà lao dốc trong 1 tháng trở lại đây đã kéo thị giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội giảm mạnh tới 28%.

VN-Index giảm gần 500 điểm sau 6 tháng

Kể từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán đã liên tục lao dốc mạnh từ vùng giá đỉnh 1.524 điểm và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Với những khoản lỗ khổng lồ, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã chấp nhận cắt lỗ và rời đi, nhất là khi kênh lãi suất tiền gửi đang trở nên hấp dẫn sau 2 năm chìm lắng.

Tuần giao dịch từ 3 - 7/10/2022, chỉ 1 phiên tăng điểm kỹ thuật giữa tuần là không đủ để khiến nhà đầu tư phục hồi trạng thái hưng phấn.

Các hành động đầu tư lúc này chủ yếu là đặt lệnh và tắt App/bảng điện tử.

Khi thị trường chứng khoán tiếp tục kết phiên 7/10 bằng pha rơi mạnh, hoàn toàn có thể khẳng định hàng vạn nhà đầu tư đã và đang mất niềm tin vào thị trường lúc này. Minh chứng dễ thấy nhất chính là trạng thái bán bằng mọi giá tiếp tục diễn ra trong phiên khi tổng giá trị khớp lệnh trên cả 3 sàn tăng tới 46% so với phiên trước lên mức 16.048 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh sàn HOSE tăng 45% - đạt 14.214 tỷ đồng. 

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 38,61 điểm (-3,59%) xuống 1.035,91 điểm; HNX-Index giảm 8,04 điểm (-3,84%) xuống 226,09 điểm; UPCoM-Index giảm 2,43 điểm (2,95%) xuống 79,98 điểm.

Tồi tệ hơn, phiên giảm điểm hôm nay đã kéo VN-Index về mức thấp nhất kể từ phiên 9/12/2020 (mức 1.39 điểm) - đáy 22 tháng.

Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2020 đến nay

Thị trường mở cửa phiên 7/10 với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử và ngày càng tô đậm nét hơn về cuối phiên trong bối cảnh lực cầu bắt đáy có dấu hiệu nhập cuộc và áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến số mã nằm sàn không ngừng gia tăng. 

Toàn thị trường phiên này có tới gần 250 mã cổ phiếu báo danh trong danh sách cổ phiếu giảm sàn.

Như vậy, chỉ trong 1 tháng, chỉ số chính của thị trường đã bay gần 210 điểm - tương ứng mất 16,67% điểm số.

Điều đáng nói hơn là sau 4 đợt biến động mạnh kể từ đầu tháng  4/2022 (trong đó có 3 nhịp giảm và 1 nhịp tăng), VN-Index đã đánh rơi tới gần 500 điểm - tương ứng mức giảm 32% chỉ sau nửa năm.

"Đáy thị trường ở đâu?" Hiện câu hỏi này đã không còn quan trọng đối với rất nhiều nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index liên tục xuyên qua các vùng hỗ trợ.

Dù vậy, với diễn biến dòng tiền có dấu hiệu nhập cuộc gia tăng mạnh trong phiên hôm nay, thị trường có thể sớm kỳ vọng thị trường sẽ sớm lấy lại cân bằng - nhất là khi các thông tin có tính đồn đoán rõ ràng hơn.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa dừng "chiết khấu"

Trong phiên 7/10, nhiều bluechip ngành ngân hàng giảm sàn từ giữa phiên như MSB, VPB, TCB, STB, TPB, CTG. 

Trong số 8 mã bị bán sàn tại rổ VN30, có đến 5 đại diện đến từ nhóm ngân hàng như VPB, TCB, TPB, STB, CTG. 

Nhóm ngân hàng cũng chính là gánh nặng lớn nhất của thị trường phiên này khi giảm tới 5,4%. Ngoại trừ EIB và SGB tăng 0,7% và 7,8%, các cổ phiếu còn lại đều giảm giá mạnh trong đó có 7 mã giảm sàn gồm cả LPB và MSB.

Thuận chiều, nhiều mã vốn hoá lớn chịu áp lực bán mạnh như ACB (-6,8%), MBB (-6,4%), SHB (-5,9%), BID (-5,8%), VCB (-4,9%), HDB (-3,9%),...

Trên sàn HNX và UPCoM, các mã có mức giảm lớn hơn như cổ phiếu ABB giảm 10,5%. Theo sau là một số mã khác như BVB, NVB, NAB, VBB,...

Tính chung cả nhóm bank đã lấy đi của VN-Index gần 18 điểm phiên này.

Quan sát sau đợt điều chỉnh mạnh - đặc biệt là từ đầu tháng 9 - tới nay phần lớn cổ phiếu ngân hàng đã giảm khoảng 40%, thậm chí nhiều cổ phiếu bluechip đã về sát mệnh giá như SHB, MSB, VPB, STB.

Mặc dù giảm song nhóm này nhận được rất ít lượng cầu bắt đáy; giá trị giao dịch khớp lệnh phiên 7/10 chỉ là 3.420 tỷ đồng trong đó các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh vượt trội so với mức trung bình 10 phiên là MBB (41 triệu đơn vị), STB (41 triệu đơn vị), VPB (19 triệu đơn vị),...

Cổ đông MBB: Đủ lỗ mới chịu thoát hàng?

Diễn biến thanh khoản tại cổ phiếu MBB

Điểm nhấn nổi bật về thanh khoản phiên 7/10 đến từ cỏ phiếu MBB khi mã bất ngờ khớp lệnh tới 41 triệu cổ phiếu - gấp gần 7 lần so với trung bình 10 phiên trước đó.

Đáng chú ý, có tới hơn 15,7 triệu đơn vị được khớp lệnh bán tại mức giá sàn 16.850 đồng và gần 6,7 triệu đơn vị được bán tại mức cận sàn (16.900 đồng).

Lượng bán phiên này cũng áp đảo với tỷ lệ 74,34% so với chỉ 22,86% của phe bắt đáy.

Quan sát từ mức 23.650 đồng thị giá (phiên 6/9), đà lao dốc trong 1 tháng trở lại đây đã kéo thị giá cổ phiếu MBB giảm mạnh tới 28%. Đáng nói, trong đà lao dốc này, phe bắt đáy đã liên tục đặt lệnh mua vào trong khi phe cầm cổ vẫn tiếp tục giữ hàng. Minh chứng dễ thấy là chênh lệnh giữa khối lượng cổ phiếu đặt mua và phe bán luôn dương (+) từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị.

Đến phiên 7/10, thậm chí phe bắt đáy đã đặt mua tới hơn 15.700 lệnh - gấp từ 2 - 5 lần các phiên trước đó. Tổng khối lượng đặt mua phiên này lên tới 49,3 triệu cổ phiếu với trung bình hơn 3.100 đơn vị/lệnh mua.

Ngược lại, phe bán với chỉ 5.000 lệnh đã đặt bán số lượng cổ phiếu tương tự với trung bình mỗi lệnh bán đạt gần 10.000 cổ phiếu - gấp 3 - 4 lần các phiên trước đó.

Sự tháo chạy khỏi MBB đã chính thức bắt đầu trong phiên này đồng thời cũng đang diễn ra tại loạt cổ phiếu ngân hàng khác trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu nhiều áp lực từ các chính sách điều tiết tiền tệ, tỷ giá.

Lãi suất tăng lên cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều doanh nghiệp ngoài ngành ngân hàng chịu áp lực về vốn vay, tỷ giá qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính và kết quả kinh doanh trong những quý tới đây.

Một thị trường khỏe thì cần nhiều hơn một nhóm cổ phiếu đầu tàu.

Mất khả năng trả nợ nghìn tỷ, một công ty thủy sản mở thủ tục phá sản

Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại

Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mbb-khi-nhung-co-dong-kien-cuong-nhat-phai-nha-hang-152400.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    MBB: Khi những cổ đông "kiên cường" nhất phải "nhả hàng"
    POWERED BY ONECMS & INTECH