Mất khả năng trả nợ nghìn tỷ, một công ty thủy sản mở thủ tục phá sản

07-10-2022 16:37|Ba Lỗ

Kết quý II/2022, vốn chủ sở hữu của công ty này âm 1.246 tỷ đồng; nợ phải trả tăng lên mức 1.266 tỷ trong khi tổng tài sản cong chưa đến 20 tỷ.

CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (Mã CAD - UPCoM) vừa công bố Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022. 

Năm 2021, CAD ghi nhận tổng doanh thu gần 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn và các chi phí phát sinh quá lên tới hơn 94 tỷ đồng (trong đó 70 tỷ chi phí lãi vay) khiến công ty báo lỗ năm hơn 69,5 tỷ. Lỗ lũy kế đến 31/12/2021 lên tới 1.355 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của công ty là 1.202 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ 208 tỷ. Tổng tài sản đến cuối năm 2021 chỉ còn vỏn vẹn 20 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu âm tới 1.160 tỷ.

cad-1.jpg

Kết thúc nửa đầu năm 2022, tình hình tài chính của công ty thủy sản này tiếp tục trầm trọng thêm sau khi doanh nghiệp báo lỗ thêm 53,9 tỷ đồng qua đó nâng mức lỗ lũy kế lên 1.441 tỷ.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc quý II/2022 âm 1.246 tỷ đồng và nợ phải trả tăng thêm 64 tỷ đồng - đạt 1.266 tỷ.

CAD là doanh nghiệp thủy sản từng vướng những bê bối về nợ bảo hiểm giai đoạn trước năm 2017. Công ty nãy cũng từng bị thanh tra nhiều lần, bị khởi kiện và cưỡng chế thi hành án. Những lùm xùm liên quan đến phúc lợi cho người lao động khiến công ty chìm trong khủng hoảng kéo dài.

Tại báo cáo ĐHCĐ thường niên mới đây, phía Cadovimex cho biết, hiện công ty đang phải vay tiền cổ đông lớn (khoảng 44,6 tỷ đồng) làm vốn lưu động phục vụ sản xuất; doanh nghiệp chỉ tự xoay sở bằng nguồn thu hạn hẹp từ dịch vụ ủy thác xuất khẩu và nhận gia công thuê cho các đơn vị cùng ngành nhằm duy trì đời sống cho cán bộ, nhân viên. (nửa đầu năm 2022 chỉ đạt doanh thu 11 tỷ đồng).

Hiện CAD có tổng cộng 96 nhân sự trong đó: Ban Tổng Giám đốc 1 người, Ban Giám đốc 3 người, 3 trưởng phó phòng, bộ phận gián tiếp 33 người và 56 công nhân.

Mặc dù nguồn thu ít ỏi xong Công ty thủy sản này vừa thông qua mức lương rất hậu hĩnh cho đội ngũ lãnh đạo với trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này thập chí cao hơn rất nhiều lương của lãnh đạo các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát hay Masan,...

Đáng nói, việc chi lương đậm tiếp tục được thực hiện trong bối cảnh Cadovimex đang kinh doanh bết bát và bị bủa vây bởi nợ.

Việc bị cưỡng chế thi hành án Nhà máy F72 nhằm thi hành bản án từ năm 2013 khiến cả lãnh đạo, đối tác và nhà đầu tư của CAD hoang mang. Nhiều khoản nợ trăm tỷ của CAD tại các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV,... đã không được gia hạn trả nợ.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, Cadovimex mới chỉ tất toán khoản nợ gốc (hoàn thành tháng 1/2015) tại Sacombank trong khi vẫn còn nợ lãi hơn 5 tỷ đồng chưa trả.

Ngoài ra, công ty cũng đang ghi nhận giá trị nợ gốc từ 40 - 125 tỷ đồng tại các ngân hàng khác như MB, VCB, BIDV, Agribank với tổng giá trị gần 426 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ lãi phải trả lên tới 732 tỷ trong đó có số tiền 387 tỷ đồng (gốc chỉ 95,4 tỷ) tại VDB Chi nhánh khu vực Minh Hải (nhiều khoản vay được thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, máy móc, dây chuyền sản xuất và tài sản của bên thứ 3). 

Các con số này tiếp tục tăng lên trong nửa đầu năm 2022. Đáng chú ý, khoản vay bằng đồng USD của CAD tiếp tục tăng lên mức 121 tỷ đồng (tính đến 30/6/2022) trong bối cảnh tỷ giá USD liên tục tăng cao.

Cùng với các khoản nợ tài chính, công ty thủy sản này hiện vẫn đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... số tiền 22,7 tỷ đồng (tính đến hết năm 2021). 

Năm 2021, CAD thậm chí đã thống nhất phương án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp để bảo về quyền lợi cho người lao động và cổ đông công ty song đến nay vẫn đang vướng mắc về việc thu hồi các khoản nợ với khách hàng nước ngoài (tính đến 30/12/2022, công ty đang có khoản nợ xấu lên tới 198 tỷ đồng trong đó có các khoản phải thu từ nhiều đối tác nước ngoài).

Đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2022, nội dung đáng chú ý của CAD là hoàn tất thủ tục pháp lý để mở thủ tục phá sản; các con số, chỉ tiêu cụ thể đều không được công bố.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CAD hiện đang giao dịch trên sàn UPCoM trong diện hạn chế giao dịch kể từ năm 2016. Mức giá 1.500 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kế phiên 7/10/2022 hiện đã giảm 92,5% so với mức 20.000 đồng tại thời điểm lên sàn chứng khoán năm 2009.

Mặc dù vậy, với gần 20,8 triệu cổ phiếu, CAD vẫn có tới hơn 1.900 cổ đông nắm giữ cổ phần.

Nhóm thủy sản nửa cuối 2022: Gánh nặng giá cước và nguy cơ "đói" nguyên liệu sản xuất

Phớt lờ công bố thông tin tài chính, CAD và LTC bị phạt nặng

Bài thuộc chủ đề Thủy hải sản
Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/mat-kha-nang-tra-no-nghin-ty-mot-cong-ty-thuy-san-mo-thu-tuc-pha-san-d100450.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Mất khả năng trả nợ nghìn tỷ, một công ty thủy sản mở thủ tục phá sản
POWERED BY ONECMS & INTECH