Miền Bắc Việt Nam sắp có thêm 1 thành phố trực thuộc Trung ương
Địa phương này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá là nơi có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá, là vùng đất "địa linh nhân kiệt".
Chiều 7/7 tại Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên năm 2024. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh.
Mục tiêu của Quy hoạch được xác định đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, với quy mô kinh tế và phát triển xếp trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, và giữ gìn bản sắc văn hóa Phố Hiến xưa, trở thành địa điểm sống lý tưởng trên vùng đồng bằng sông Hồng.
"Để đạt được những mục tiêu này và góp phần vào "kỳ tích sông Hồng", Hưng Yên cần tiến hành triển khai Quy hoạch 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 một cách tích cực", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rằng Hưng Yên là nơi có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển bứt phá, là vùng đất "địa linh nhân kiệt" nhờ vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn lực con người và truyền thống văn hóa lịch sử.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng trưởng GRDP bình quân của Hưng Yên đạt 10,71%, vượt xa mức trung bình quốc gia là 5,24% và xếp hạng kinh tế thứ 16 trên tổng số 63 tỉnh thành.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 6,81%. Thu ngân sách nhà nước liên tục vượt kế hoạch: Năm 2022 và 2023, Hưng Yên lọt vào nhóm 10 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước.
Đến tháng 6, tỉnh có hơn 17.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 212.000 tỷ đồng; trong đó có 1.686 dự án trong nước với tổng vốn 340.000 tỷ đồng và 577 dự án FDI với tổng vốn 7,5 tỷ USD. Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với Khu công nghiệp Thăng Long II của Hưng Yên với phương pháp bảo vệ không sử dụng hàng rào cứng, mà thay vào đó là đào kênh, trồng cây xanh, tạo ra một môi trường an toàn, thân thiện, hài hòa và hiệu quả.
Hiện tại, tỷ lệ đô thị hóa của Hưng Yên đạt 45% và là tỉnh về đích thứ ba trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Về vị trí địa lý, Thủ tướng cho rằng Hưng Yên “có nhiều nơi gần Hà Nội hơn cả Hà Nội", nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên để tận dụng được lợi thế này, cần xây dựng ba tuyến đường huyết mạch để kéo Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn khác cũng như các tỉnh phía Nam của đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa được khánh thành, tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan vừa được khởi công, và theo dự kiến tuyến đường kết nối di sản sông Hồng sẽ khởi công vào cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh định hướng lớn về việc tổ chức không gian kinh tế - xã hội theo mô hình "mạng lưới" đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc phát triển gồm 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục và 3 trung tâm.
Hưng Yên cần phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng anh hùng và sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ các bộ ngành, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, Hưng Yên sẽ phát triển đúng với tầm nhìn và đổi mới đã được quy hoạch.
Được biết, tại cuộc Hội nghị nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng tỉnh Hưng Yên đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 24 dự án, có tổng vốn đầu tư lên tới 760 triệu USD và 10.000 tỷ đồng (tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng).
Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, điện tử, logistics, nội thất, linh kiện điện tử, và cơ khí.
Ngoài ra, Công ty Công nghệ Arizon cũng cho biết, sau khi tìm hiểu 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã quyết định đầu tư tại Hưng Yên một nhà máy điện tử công nghệ cao chuyên sản xuất các sản phẩm nhãn RFIA (Radio Frequency Identification - nhận dạng qua tần số vô tuyến), với mục tiêu trở thành nhà máy lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Lộ diện 5 tuyến đường trên cao bị TP. HCM gạch tên khỏi danh sách ưu tiên đầu tư
Cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang chính thức lộ vốn đầu tư ‘khủng’