Lộ diện doanh nghiệp duy nhất đăng ký dự án khu đô thị gần 950 tỷ đồng tại “đại bản doanh” của Samsung
Doanh nghiệp này mới thành lập hồi tháng 3/2024 với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.
Vào tháng 6/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã công bố danh mục dự án khu đô thị Đông Cao - Tân Phú nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm. Theo đó, khu đô thị này sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 41,2ha tại phường Đông Cao, TP. Phổ Yên.
Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 946 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư là 207 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng là 739,19 tỷ đồng.
Thời gian hoạt động của dự án tối đa là 50 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền giao đất cho nhà đầu tư. Dự kiến, dự án khu đô thị Đông Cao - Tân Phú sẽ được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2028.
>> Công bố lệnh của Chủ tịch nước: Luật Đất đai chuẩn bị có hiệu lực
Theo kết quả mới nhất vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên công bố, nhà đầu tư duy nhất quan tâm đăng ký thực hiện dự án trong cả quá trình là CTCP Hạ tầng Thanh Nguyên.
CTCP Hạ tầng Thanh Nguyên đã được thành lập và bắt đầu hoạt động từ ngày 28/3/2024, có trụ sở đăng ký đóng tại thôn Trung, xã Nghĩa Trung, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hoạt động chính của công ty là kinh doanh bất động sản, với quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Công ty này đã đăng ký vốn điều lệ ở mức 200 tỷ đồng, với sự tham gia của 4 cổ đông sáng lập như sau: Ông Phạm Quang Thảo, cư trú tại phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, sở hữu 10% cổ phần; bà Vũ Thị Điền, cư trú tại phường Suối Hoa, TP. Bắc Ninh, góp 25% cổ phần; ông Trịnh Văn Vân, cư trú tại Phố Mớ, Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nắm 45% cổ phần và bà Nguyễn Thị Lữ, cư trú tại phường Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, sở hữu 20% cổ phần.
Hiện nay, ông Phạm Quang Thảo (sinh năm 1981, trú tại phố Cung Kiệm, phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của CTCP hạ tầng Thanh Nguyên.
Được biết, ngoài vai trò là người đại diện pháp luật cho CTCP Hạ tầng Thanh Nguyên, ông Phạm Quang Thảo còn giữ chức vụ này tại 2 công ty khác bao gồm CTCP dịch vụ Viễn Thông I.P, thành lập từ năm 2008 và CTCP vật tư nông nghiệp Sông Hồng, thành lập vào năm 2004.
Đáng chú ý, CTCP vật tư nông nghiệp Sông Hồng ban đầu được thành lập với vốn điều lệ là 7 tỷ đồng. Đến tháng 11/2016, vốn điều lệ của công ty bất ngờ tăng lên 300 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng lên 450 tỷ đồng vào tháng 10/2018.
Vào tháng 3/2020, vốn điều lệ của công ty này lại giảm về mức 300 tỷ đồng. Ông Phạm Quang Thảo đã trở thành đại diện pháp luật của công ty từ tháng 6/2021 và đảm nhận vai trò Giám đốc từ thời điểm đó cho đến nay.
Phổ Yên chính thức được nâng cấp từ thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2022. Trong 10 năm trở lại đây, nền công nghiệp của thành phố này đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Mặc dù là một địa phương công nghiệp "sinh sau đẻ muộn", Phổ Yên lại đang tỏ ra rất hứa hẹn trong cuộc đua về tiềm năng đầu tư, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, cơ hội đầu tư nước ngoài sáng sủa và hệ thống hạ tầng giao thông được quy hoạch đồng bộ.
Khu công nghiệp Yên Bình tại Phổ Yên hiện nay đang đặt nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất của Tập đoàn Samsung. Với Samsung làm tiên phong, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã chọn Phổ Yên làm điểm đến đầu tư. Kết quả là, từ năm 2018 đến 2023, TP. Phổ Yên đã dẫn đầu cả tỉnh Thái Nguyên và khu vực phía Bắc về thu hút đầu tư FDI với số lượng lên tới 6,8 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký vào địa phương lên con số 225.000 tỷ đồng.
Tuyến đường hơn 800 tỷ đồng kết nối sân bay lớn nhất miền Bắc sẽ thông xe vào tháng 7
Mục sở thị 'dải lụa' hơn 30.000 tỷ đồng vắt qua rừng ngập mặn, được ví đẹp nhất phía Nam Việt Nam