Bất động sản

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: 5 năm hay 10 năm?

Mộc Trà 03/07/2024 08:28

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện tờ trình Chính phủ kiến nghị 2 phương án về thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó có phương án tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế 5 năm sử dụng đất nông nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu tăng vượt bậc

Qua 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Tài chính cho biết, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm trong giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, việc miễn thuế đã đạt hiệu quả trong từng giai đoạn. Cụ thể, năm 2001, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,7 tỷ USD; năm 2005, đã tăng lên 8,5 tỷ USD, gấp 2,1 lần năm 2001; năm 2007 đạt 10,9 tỷ USD và đến năm 2010 đạt 19,15 tỷ USD (tăng gần 5 lần so với năm 2001).

Giai đoạn tiếp tục mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế SDĐNN và tiến tới miễn thuế SDĐNN (2011-2018), kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD. Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt khoảng 40,5 tỷ USD (tăng 10 lần so với năm 2001). Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019, 2020 vẫn đạt con số ấn tượng 41,2 tỷ USD.

Giai đoạn giai đoạn kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN theo Nghị quyết số 107/2020/QH14 (2021-2023) đã nâng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 48,70 tỷ USD (năm 2021) lên 53,22 tỷ USD (năm 2022, 2023).

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: 5 năm hay 10 năm? - ảnh 1
Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết

Trước những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới như quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta.

Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5.5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức trực tiếp SDĐNN để sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần phải tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Việc thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với hộ gia đình, cá nhân cùng với các chính sách khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra thể chế chính sách ưu đãi thống nhất, hợp lý để khuyến khích các nguồn lực đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị quyết để kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong 5 năm, kể từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030.

Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế trong thời hạn 5 năm 2026-2030 sẽ góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH 5 năm, Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm.

Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 5 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh chính sách thuế đối với đất nông nghiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người nông dân.

Tuy nhiên, với mức ưu đãi 5 năm thì khó có thể thu hút được các dự án đầu tư vào nông nghiệp dài hạn. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất thêm phương án miễn thuế SDĐNN trong vòng 10 năm tới, kể từ ngày 01/01/2026 – 01/01/2016. Song phương án này được đánh giá không khả thi vì bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường, trong trường hợp cần thiết sẽ khó có thể điều chỉnh chính sách khi cần phải có chính sách thuế để điều tiết. Bên cạnh đó, thời gian miễn thuế dài sẽ tăng áp lực lên NSNN.

>> Sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, giá đất nông nghiệp sẽ được quy định như thế nào?

Sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, giá đất nông nghiệp sẽ được quy định như thế nào?

Hạn mức giao đất nông nghiệp mới nhất được áp dụng từ ngày 1/8/2024

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-5-nam-hay-10-nam-123721.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: 5 năm hay 10 năm?
POWERED BY ONECMS & INTECH