'Miếng bánh' đất công 39-39B Bến Vân Đồn được 'phù phép' thành đất tư thế nào?

26-05-2024 10:39|An Nhiên

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ này tiếp tục kiểm tra lại dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hồ sơ cũng sẽ được chuyển sang cho CQĐT Bộ Công an xử lý.

Loạt cựu sếp ngành cao su "dính chàm"

Mới đây, ông Lê Quang Thung - cựu Tổng Giám đốc, quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cùng nhiều cựu lãnh đạo khác trong ngành cao su đã bị khởi tố để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn, Q.4, TP. HCM.

Cụ thể, ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định số 33/QĐ-CSKT-P5 khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến các sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, P.12, Q.4, TP. HCM.

Cựu tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Quang Thung (bên trái) cùng các bị can Huỳnh Trung Trực, Phạm Văn Thành tại cơ quan công an. Ảnh: Bộ Công an

Cựu tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Quang Thung (bên trái) cùng các bị can Huỳnh Trung Trực, Phạm Văn Thành tại cơ quan công an. Ảnh: Bộ Công an

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra các Quyết định khởi tố bị can; Lệnh bắt tạm giam; Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; Lệnh khám xét đối với 9 bị can cùng chung tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

>> Quy định mới về định giá đất liệu đã đủ để 'hạ nhiệt' giá nhà?

Từ đất công đắc địa trở thành đất tư

Theo báo Tuổi Trẻ, khu đất 39-39B Bến Vân Đồn với tổng diện tích 6.202m2 nguồn gốc là đất thuộc sở hữu Nhà nước, do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý.

Năm 2009, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín có địa chỉ trụ sở chính 39-39B Bến Vân Đồn. Tổng Công ty Cao su Đồng Nai góp 72% vốn và Công ty Cao su Bà Rịa góp 28% vốn.

Đến năm 2010, UBND TP. HCM có quyết định số 1366 thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư theo hoạch định. Doanh nghiệp này đã kinh doanh xây dựng thương mại, văn phòng, officetel, căn hộ...

Đến năm 2014, toàn bộ cổ phần vốn góp của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Công ty Phú Việt Tín đều bán cho CTCP Quốc Cường Gia Lai. Ngày 10/9/2014, CTCP Quốc Cường Gia Lai đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Công ty TNHH Phú Việt Tín với mức giá xấp xỉ 6 tỷ đồng, tương đương với 99,5% vốn.

Bộ Công an yêu cầu TP. HCM giải trình về dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Ảnh: Internet

Bộ Công an yêu cầu TP. HCM giải trình về dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Ảnh: Internet

Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng 0,5% vốn điều lệ Phú Việt Tín lại cho bà Lại Thị Hoàng Yến với mức giá 3 tỷ đồng; chuyển nhượng 40% vốn cho CTCP BĐS Thịnh Vượng với mức giá trên 340 tỷ đồng, chuyển nhượng 54% vốn cho CTCP Biệt thự Thành phố với giá 459 tỷ đồng.

Số tiền mà Quốc Cường Gia Lai thu về sau giao dịch chuyển nhượng vốn gần 800 tỷ đồng, trong khi giá mua khoảng 6 tỷ đồng.

Năm 2017, Công ty TNHH Phú Việt Tín đã ký kết hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Phúc Nguyên thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Nova Phúc Nguyên (công ty con của Novaland).

Cho đến thời điểm hiện tại, dự án đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành và bán hết cho người sử dụng. Nhưng do dự án đang bị thanh tra, kiểm tra nên những hộ dân mua căn hộ tại dự án này vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại TP. HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Theo báo Công an Nhân dân, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận đây là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do 2 doanh nghiệp Nhà nước quản lý là Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa, cả 2 đều thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Kết luận của TTCP khẳng định: Việc UBND TP. HCM ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chỉ định Công ty TNHH Phú Việt Tín - một pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án đối với khu đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất.

Cho rằng khu đất này là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương pháp sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được phê duyệt, TTCP đã đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý theo quy định.

Trong khi đó, báo cáo với UBND TP. HCM về kết quả thực hiện Kết luận của TTCP, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định khu đất có địa chỉ 39-39B Bến Vân Đồn thuộc tài sản công. Nhưng ông Thắng cho rằng bản chất của việc giao Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư dự án tại đây là Nhà nước cho phép Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch, chứ hoàn toàn không phải là việc giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá.

Trong khi đó, trước tình trạng 2 cổ đông là DNNN chỉ góp mức vốn "tượng trưng" vào Công ty TNHH Phú Việt Tín không có khả năng thực hiện dự án, doanh nghiệp tư nhân là CTCP Quốc Cường Gia Lai đã lợi dụng và lần lượt "thâu tóm" cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín để sở hữu khu đất này, nhanh chóng thu lợi hàng trăm tỷ đồng chỉ trong thời gian rất ngắn.

Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM về việc chậm công bố thông tin các nghị quyết HĐQT liên quan đến nội dung nhận và chuyển nhượng dự án vào năm 2015, CTCP Quốc Cường Gia Lai đã thông tin về việc thu được khoản lợi nhuận "khủng" từ vụ thâu tóm doanh nghiệp làm chủ khu đất công có dự án này.

Ngày 14/8/2014, việc mua lại cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín mở màn bằng việc Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Quốc Cường Gia Lai ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp 5,94 tỷ đồng. Chỉ với điều này, CTCP Quốc Cường Gia Lai đã nghiễm nhiên chiếm tỷ lệ nắm giữ 99% vốn tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Đến 10/9/2014, HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai cũng đã ra quyết định nhận chuyển nhượng nốt 0,72% phần vốn góp, tương đương 43,2 triệu đồng từ Tổng Công ty cao su Đồng Nai và đồng thời nhận chuyển nhượng 0,28% phần vốn góp tương đương 16,8 triệu đồng từ Công ty TNHH Cao su Bà Rịa. Đây được xem là số tiền giá trị cổ phần của 2 DNNN tại Công ty TNHH Phú Việt Tín sau khi CTCP Quốc Cường Gia Lai đã "bơm" tiền vào nhằm tăng vốn điều lệ.

Khu cao ốc phức hợp The Tresor. Ảnh: Internet

Khu cao ốc phức hợp The Tresor. Ảnh: Internet

Sau khi nắm trong tay toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín, HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp, tương đương 0,5% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với tổng giá trị chuyển nhượng 3 tỷ đồng vào ngày 3/9/2014.

Ngày 14/11/2014, HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công TNHH Phú Việt Tín cho 2 công ty khác: Trong đó chuyển nhượng cho CTCP BĐS Thịnh Vượng 76 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương 40% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 340 tỷ đồng; Chuyển nhượng cho CTCP Biệt thự Thành phố 102,6 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương với 54% vốn điều lệ của Công ty TNHH Phú Việt Tín với mức giá chuyển nhượng hơn 459 tỷ đồng.

Sau một thời gian "phù phép", dự án trên đã đến tay doanh nghiệp BĐS và trở thành khu cao ốc phức hợp với nhiều căn hộ cao cấp, sở hữu vị trí đắc địa với tên gọi The Tresor.

Vào thời điểm tháng 9/2022, theo yêu cầu của CQĐT Bộ Công an, UBND TP. HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP có văn bản giải trình các nội dung về nguồn gốc của đất; về việc sắp xếp nhà đất trên; về việc UBND TP. HCM thu hồi, giao đất cho chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty TNHH Phú Việt Tín; về quy hoạch khu đất... có liên quan đến việc thực hiện dự án này.

>>Hà Nội 'rót' gần 3.000 tỷ ‘hồi sinh’ KCN Phụng Hiệp ở huyện sắp lên quận của Thủ đô

Diện mạo một trong những tuyến đường đẹp nhất Bình Dương kết nối metro số 1 và Bến xe Miền Đông sắp hoàn thành

'Mũi nhọn' BĐS trong hệ sinh thái GFS: Loạt dự án trên 'đất vàng' Thủ đô, có dự án chờ mòn mỏi 20 năm vẫn bất động

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/mieng-banh-dat-cong-39-39b-ben-van-don-duoc-phu-phep-thanh-dat-tu-the-nao-d123591.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Miếng bánh' đất công 39-39B Bến Vân Đồn được 'phù phép' thành đất tư thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH