Một loạt các xã ở huyện sắp lên quận của Thủ đô Hà Nội sắp được "rót" gần 3.000 tỷ đồng để xây dựng, đầu tư kết cấu hạ tầng với mục đích “hồi sinh” KCN Phụng Hiệp.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ xác nhận thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 445/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Phụng Hiệp, TP. Hà Nội, theo báo Thanh Tra.
Theo như quyết định, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phụng Hiệp có tổng vốn đầu tư 2.938 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất của dự án là 174,88ha.
KCN Phụng Hiệp được thực hiện tại các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất và cho thuê đất.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về KCN theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND TP. Hà Nội cũng được giao kiểm tra, giám sát, đảm bảo dự án triển khai phù hợp với vị trí quy hoạch phát triển KCN Phụng Hiệp đã được phê duyệt; Không được phép chuyển phần diện tích quy hoạch phát triển KCN Phụng Hiệp còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sang mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý KCN và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
>> Điểm mặt những khu đất có thể bị 'xóa sổ' nhường chỗ cho Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy
UBND TP. Hà Nội cũng được giao tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng KCN Phụng Hiệp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về KCN và khu kinh tế, trong đó không tính phần diện tích đất quy hoạch tuyến đường trục Ngọc Hồi - Phú Quyên và phần diện tích đất của tuyến kênh Phụng Hiệp trong khu vực thực hiện dự án vào cơ cấu sử dụng đất dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần có giải pháp xây dựng, kết nối giao thông phù hợp với quy hoạch tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên và đường tỉnh 429 nhằm đảm bảo cho dự án không bị chồng lấn các quy hoạch khác; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo lưu thông không gây ùn tắc tại các điểm kết nối.
Theo báo Lao Động, Công ty TNHH Hòa Phú Invest (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án; chỉ được thực hiện dự án này sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như những văn bản hướng dẫn có liên quan.
Việc ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch nhằm đảo bảo phù hợp với định hướng phát triển mới của Thủ đô cũng như định hướng phát triển các ngành công nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
KCN Phụng Hiệp được thành lập theo Quyết định 1975/QĐ-UBND ngày 29/10/2007 của UBND tỉnh Hà Tây cũ. Dự án này được giao cho Công ty Cổ phần SIMCO làm chủ đầu tư.
Sau đó, do diễn ra quá trình sáp nhập địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây cũ vào TP. Hà Nội nên dự án này buộc dừng triển khai để chờ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tín.
Sau một thời gian dài chậm triển khai, Ban Quản lý dự án đã có văn bản báo cáo đề xuất UBND TP. Hà Nội cho chấm dứt hoạt động của dự án và ngày 19/2/2019, UBND TP. Hà Nội đã thông báo chấm dứt hoạt động của dự án để triển khai kêu gọi đầu tư theo quy định.
Đến ngày 7/1/2022, KCN Phụng Hiệp đã được đưa vào Quyết định về việc phê duyệt đề án "Thành lập 02-05 KCN mới giai đoạn 2021-2025". Trong quyết định này nêu rõ dự kiến hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào KCN và đưa dự án chính thức đi vào hoạt động trong quý II/2025; thu hút nhà đầu tư thứ phát từ quý III/2025.
Dự kiến thời gian tới khi tái khởi động, KCN Phụng Hiệp được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng phát triển của huyện Thường Tín nói riêng cũng như khu vực phía Nam của Thủ đô nói chung.
>> Hà Nội: Dự án hơn 3.300 tỷ đồng được 'tái sinh' sau nhiều năm 'lỗi hẹn'