Doanh nghiệp

Miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam bị các ông lớn Nhật Bản tranh giành quyết liệt

Yên Hoàng 03/10/2023 - 15:23

Các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản đa số đặt mục tiêu tăng trưởng tính bằng lần trong dài hạn tại thị trường Việt Nam.

Theo một khảo sát gần đây của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây trong vòng một đến hai năm tới. Chiến lược này được đặt ra dù sức mua hiện tại chưa cao và nhiều trung tâm mua sắm không đông khách như trước.

Đà mở rộng của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam

Matsumoto Kiyoshi (Matsukiyo), chuỗi bán lẻ hàng đầu Nhật Bản về làm đẹp và chăm sóc sức khỏe vừa khai trương cơ sở đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 29/9 vừa qua. Sự kiện đánh dấu một bước tiến của Matsukiyo sau hơn 3 năm ra mắt tại Việt Nam kể từ 2020.

Miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam bị các ông lớn Nhật Bản tranh giành quyết liệt

Matsukiyo, thương hiệu thành lập từ năm 1932 tại Chiba (Nhật Bản) bởi nhà sáng lập Matsumoto Kiyoshi, hiện có 1.800 cửa hàng khắp nước Nhật. Tập đoàn cũng sở hữu chuỗi cửa hàng tại Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong.

Tại Việt Nam, Matsukiyo ký kết hợp đồng liên doanh với CTCP Chế biến Thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group) để thành lập công ty liên doanh Matsukiyo Việt Nam, và mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào ngày 18/10/2020. Đến nay, ngoài cơ sở vừa khai trương tại Hà Nội, Matsukiyo đang sở hữu 6 cửa hàng tại Sài Gòn.

Bà Lê Vân Mây - Chủ tịch HĐQT Matsukiyo Việt Nam chia sẻ, hãng đã dành nhiều năm nghiên cứu hành vi tiêu dùng trước khi xác định Việt Nam là mảnh đất tiềm năng với các thương hiệu mỹ phẩm và chăm sóc sức khoẻ Nhật Bản.

Dự kiến đến năm 2024, sẽ có khoảng 15 cơ sở Matsukiyo được mở mới tại Việt Nam - nằm trong chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của hãng.

Thương hiệu bán lẻ thời trang Uniqlo Nhật Bản cũng vừa công bố kế hoạch khai trương cửa hàng tiếp theo tại Hà Nội vào mùa thu đông 2023. Cơ sở mới của Uniqlo có diện tích hơn 2.000 m2, toạ lạc tại tòa nhà số 1 phố Bà Triệu, một trong những toà nhà mang đậm dấu ấn lịch sử ở quận Hoàn Kiếm.

Uniqlo Hoàn Kiếm khi ra mắt sẽ trở thành cửa hàng thứ 22 trong mạng lưới bán lẻ của Uniqlo tại Việt Nam và là cửa hàng thứ 10 tính riêng tại khu vực Thủ đô Hà Nội, hoạt động song song cùng cửa hàng online Uniqlo.com. Cửa hàng mới là một trong những cửa hàng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch mở rộng và thúc đẩy sự hiện diện của Uniqlo và LifeWear với hệ thống bán lẻ rộng khắp chỉ sau chưa đầy 4 năm tại Việt Nam.

Uniqlo ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 12/2019 với cửa hàng đầu tiên tại TTTM Parkson Lê Thánh Tôn (TP HCM). Đây được xem là cửa hàng có diện tích lớn nhất của Uniqlo tại Đông Nam Á. Chỉ chưa đầy 4 năm, hãng liên tục mở rộng quy mô, đồng thời là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Về mảng trung tâm mua sắm, tập đoàn Aeon đang đẩy nhanh việc mở thêm các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam. Dự định đến năm 2025, Aeon sẽ tăng gấp ba số lượng trung tâm thương mại trên cả nước.

Miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam bị các ông lớn Nhật Bản tranh giành quyết liệt

Tính đến hiện tại, AEON Mall đang có 6 trung tâm thương mại, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM. Theo số liệu được tập đoàn đưa ra từ tháng 5/2023, Việt Nam là quốc gia được AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD.

Để củng cố lợi thế so với các đối thủ trong và ngoài nước khác, Aeon cũng đang tìm kiếm thêm thị phần ở khu vực miền Trung với trung tâm thương mại đầu tiên tại Huế vào năm 2024.

Về siêu thị và cửa hàng tiện ích, BRG Retail đang phối hợp với Tập đoàn Sumitomo mở rộng chuỗi siêu thị mang thương hiệu FujiMart. Ôngg Keisuke Hitotsumatsu, Giám đốc điều hành FujiMart Việt Nam, cho biết: “Mặc dù thị trường bán lẻ rất cạnh tranh, nhưng nhu cầu của thị trường này đang tăng với tốc độ hai con số. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng do triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan”.

Tuy nhiên gặp nhiều thách thức, hiện tại FujiMart có 4 cửa hàng tại Việt Nam, chưa đạt theo lộ trình kế hoạch đã đề ra trước đó.

MUJI Việt Nam hiện cũng có 5 cửa hàng tại Việt Nam, trong đó 2 cửa hàng tại Hà Nội và 3 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, MUJI đã thích nghi với thị trường bán lẻ Việt Nam khi mở các cửa hàng có diện tích trung bình khoảng 2.000 m2, gần gấp đôi so với các cửa hàng tại Nhật Bản.

Động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02% - mức tăng hàng năm cao nhất trong 10 năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 19,8%, một con số tích cực trong bối cảnh áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế toàn cầu. Đây là một xu hướng đầy hứa hẹn và là một phần lý do tại sao các thương hiệu Nhật Bản đang tiếp tục mở rộng.

Thêm vào đó, hàng hóa Nhật Bản được đánh giá cao tại Việt Nam. Sự thành công của những tên tuổi lớn như Honda, Sony, Panasonic tại Việt Nam trong những năm 2000 đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Chất lượng hàng hóa Nhật Bản được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá là cao và đáng tiền. Do đó, người Việt Nam thường ưu tiên hàng Nhật khi muốn những món đồ chất lượng tốt, bền lâu.

Điều này lý giải vì sao các hãng Nhật Bản vẫn có chỗ đứng dù có giá bán cao hơn nhiều đối thủ. Đơn cử như việc AEON có mặt tại thị trường Việt Nam chỉ sau 12 năm đã lọt vào top 10 Công ty bán lẻ uy tín nhất Việt Nam năm 2022. Trong bối cảnh ảm đạm của nhiều trung tâm thương mại như Vincom, Mipec Tower, Discovery hiện nay thì AEON Malls vẫn đang hoạt động tốt.

Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách tạo thuận lợi kinh doanh và các hiệp định thương mại tự do cũng đang mở ra nhiều cơ hội. Là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có kế hoạch dỡ bỏ hạn chế đầu tư nước ngoài trong một loạt lĩnh vực, sớm nhất là vào năm 2024.

CPTPP cũng áp dụng mức thuế thấp hơn và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, tạo ra nhiều lợi thế hơn cho các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản. Điều này sẽ tạo thêm dư địa cho các nhà bán lẻ Nhật Bản mở rộng tại thị trường Việt Nam trong dài hạn.

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mieng-banh-thi-phan-ban-le-viet-nam-bi-cac-ong-lon-nhat-ban-tranh-gianh-quyet-liet-203733.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam bị các ông lớn Nhật Bản tranh giành quyết liệt
POWERED BY ONECMS & INTECH