Minh tinh điện ảnh người Việt là con nuôi của cựu Tổng thống Pháp: Ái nữ duy nhất của Hùm thiêng Yên Thế, được báo chí Pháp ca ngợi như một vị Công chúa

24-04-2024 19:53|Quỳnh Châu

Theo cuốn Kỷ niệm thời thơ ấu (hồi ký viết bằng tiếng Pháp) và các tư liệu liên quan (in trong cuốn sách), bà có cuộc đời đầy biến động.

Con gái nuôi của Tổng thống Pháp

Bà Hoàng Thị Thế sinh ngày 31/3/1901 ở Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang. Bà là con gái duy nhất của Hoàng Hoa Thám – lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế. Mẹ Hoàng Thị Thế là bà Đặng Thị Nho, còn gọi là bà Ba Cẩn, vợ thứ ba của Đề Thám.

Thời thơ ấu bên bố của bà Hoàng Thị Thế. Ảnh tư liệu/Báo Lao Động

Thời thơ ấu bên bố của bà Hoàng Thị Thế. Ảnh tư liệu/Báo Lao Động

Tuổi thơ của bà gắn với sóng gió của gia đình và những giai đoạn đấu tranh, trốn tránh trong núi rừng Yên Thế. Bà Hoàng Thị Thế đã bộc lộ những nét khác thường ngay từ tuổi ấu thơ. Lúc lên 3 tuổi, bà đã được hứa hôn với Hoàng tử Trung Hoa.

Đầu tháng 6/1909, bà bị Pháp bắt vào lúc cuộc khởi nghĩa Yên Thế thoái trào. Mẹ bà là Đặng Thị Nho, cũng bị bắt không lâu sau đó và chết trên đường đi đày đến Alger (25/11/1910). Cha bà, Hoàng Hoa Thám, bị giết ngày 10/2/1913.

Lúc đầu, Hoàng Thị Thế được Bouchet nhận trông nom, sau đó giao cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Khi Albert Sarraut sang làm Toàn quyền Đông Dương (từ ngày 15/11/1911-3/1/1914), bà được ông nhận làm con nuôi, lấy tên là Marie Beatric Destham, rồi đưa qua Pháp học khi 16 tuổi.

Năm 1925, sau khi học xong tú tài phần 1, Hoàng Thị Thế được đưa về Việt Nam, làm thủ thư ở Phủ Thống sứ Bắc kỳ với tư cách viên chức Pháp. Bà ở cùng em trai tên Hoàng Văn Vi ở phố Hàm Long. Đến năm 1927, bà được đưa trở lại Pháp.

Trở lại Paris, bà được Albert Sarraut giới thiệu như một Công chúa. Năm 1931, Paul Doumer trở thành Tổng thống Pháp. Ông trước đây là Toàn quyền Đông Dương (giai đoạn 1897-1902) nên có biết Hoàng Hoa Thám và từng gặp cô bé Hoàng Thị Thế. Với cương vị Tổng thống Pháp, Paul Doumer trở thành cha nuôi của Hoàng Thị Thế, cô càng được giới thượng lưu châu Âu nể trọng.

Hoàng Thị Thế trong bộ váy cưới. Bà kết hôn ngày 14/8/1931, ở Tòa thị chính Saint Amand. Ảnh chụp từ hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu/Báo Thanh Niên

Hoàng Thị Thế trong bộ váy cưới. Bà kết hôn ngày 14/8/1931, ở Tòa thị chính Saint Amand. Ảnh chụp từ hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu/Báo Thanh Niên

Ngày 14/8/1931, Hoàng Thị Thế kết hôn với Jean Joseph Bernard Robert Bourgès (24 tuổi, người Pháp gốc Bỉ). Trên thiệp báo hỉ ghi (được dịch sang Tiếng Việt): “Tổng thống nước Cộng hòa Pháp và ngài Albert Sarraut, vinh dự báo tin lễ thành hôn của con gái nuôi: Công chúa Hoàng Thị Thế...”

Trong một bức ảnh được lưu giữ cho thấy bà Hoàng Thị Thế với trang phục ngày cưới: đầu đội lúp trắng, khoác soiree trắng dài quét đất, hai tay ôm bó hoa ly cũng màu trắng - trông bà đẹp rực rỡ và kiêu sa.

Minh tinh điện ảnh người Việt đầu tiên tại trời Tây

Lúc đó, một đạo diễn có tiếng ở Pháp là Louis Mercanton đang khó khăn khi tìm người đóng vai Công chúa Trung Hoa cho bộ phim “Một bức thư” (La Lettre) của mình.

Một lần vào tiệm buôn nọ, ông bỗng thấy một cô gái Á Đông rất duyên dáng đang đứng tiếp khách. Qua quan sát, Mercanton thấy đây đúng là hình mẫu cho vai diễn của mình. Cô gái Á Đông duyên dáng ấy chính là Hoàng Thị Thế.

Bà Hoàng Thị Thế trên poster bộ phim La Lettre. Ảnh: Fair Use

Bà Hoàng Thị Thế trên poster bộ phim La Lettre. Ảnh: Fair Use

Được tham gia đóng phim, lương của bà cao gấp nhiều lần so với trước, từ đó mà có được cuộc sống sung túc. Bộ phim La Lettre được công chiếu năm 1930 và gây được tiếng vang ở Pháp. Từ đó, Hoàng Thị Thế phải đón tiếp nhiều người hâm mộ mỗi ngày. Báo chí Pháp khi đó gọi bà là “Công chúa Trung Hoa”, còn bà tự xưng là “Công chúa Hoàng Thị Thế”.

Sau thành công của bộ phim La Lettre, bà Hoàng Thị Thế tiếp tục tham gia các phim La Donna Bianca của đạo diễn Jack Salvatori năm 1931, Le Secret de l'émeraude (Bí mật ngọc lục bảo) - năm 1935, đạo diễn Maurice de Canonge.

Trên màn ảnh, bà Hoàng Thị Thế có nhan sắc xinh đẹp bội phần, như một mỹ nhân. Có thể nói, bà là một trong những nữ diễn viên đầu tiên mang vẻ đẹp Á Đông lên phim phương Tây, khiến khán giả phương Tây phải ngưỡng mộ và thích thú.

Ngày 6/5/1932, Tổng thống Paul Doumer bị người Nga Gorguloff ám sát. Hoàng Thị Thế là người đầu tiên sơ cứu cho ông. Tờ Trung lập ở Sài Gòn nói bà "đau đớn thảm sầu" khi Paul Doumer mất.

Năm 1935, Hoàng Thị Thế sinh hạ con trai, đặt tên là Jean Marie Albert Arthur và tiếp tục có các vai diễn trong một số phim. Năm 1940, bà ly hôn Robert Bourgès. Bà làm đủ các nghề như thủ thư, đóng phim, chụp ảnh làm người mẫu, cắt tóc và có tài bói bài Tây.

Năm 1959, trong một chuyến công du sang Pháp, bà Ngô Đình Nhu được sự ủy quyền của anh chồng là Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mời Hoàng Thị Thế về Sài Gòn sinh sống, nhưng bà đã từ chối. Năm 1960, với sự giúp đỡ của ông Phan Kế Toại (Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), bà Hoàng Thị Thế trở về Hà Nội.

Bà Hoàng Thị Thế năm 1963, khi bà đang viết cuốn Kỷ niệm thời thơ ấu

Bà Hoàng Thị Thế năm 1963, khi bà đang viết cuốn Kỷ niệm thời thơ ấu

Một thời gian sau, bà xin về Bắc Giang vì nhiều người thân của bà (ông Hoàng Văn Vi và con cháu) đang sống ở đây và bà đã viết cuốn hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu vào năm 1963 tại đây bằng tiếng Pháp (bản dịch Việt ngữ do Lê Kỳ Anh - tức nhà thơ Hoàng Cầm chuyển ngữ và Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản năm 1975).

Ngày 9/12/1988, bà Hoàng Thị Thế từ trần và được an táng tại Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang - nơi bà được sinh ra 87 năm về trước.

>> Vị Giáo sư từng là Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á, trở thành Hiệu trưởng Trường Y sĩ Việt Nam khi mới 30 tuổi, được mệnh danh là lão thần trụ cột của nền y học Việt Nam

Vị tướng duy nhất của QĐND Việt Nam hy sinh ở chiến trường nước ngoài, là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện được phong Anh hùng LLVT Nhân dân

Anh hùng không xưng vương xưng đế vẫn được nhân dân tôn xưng là 'Tiên chúa', là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền ngoại giao Việt Nam

Anh hùng Lực lượng vũ trang 8 lần bắn hạ máy bay địch trong kháng chiến chống Mỹ, 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/minh-tinh-dien-anh-nguoi-viet-la-con-nuoi-cua-cuu-tong-thong-phap-ai-nu-duy-nhat-cua-hum-thieng-yen-the-duoc-bao-chi-phap-ca-ngoi-nhu-mot-vi-cong-chua-d121246.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Minh tinh điện ảnh người Việt là con nuôi của cựu Tổng thống Pháp: Ái nữ duy nhất của Hùm thiêng Yên Thế, được báo chí Pháp ca ngợi như một vị Công chúa
POWERED BY ONECMS & INTECH