Mitsubishi Electric giành được hợp đồng quốc phòng đầu tiên với chính phủ Úc
Đánh dấu cột mốc trở thành công ty đầu tiên của Nhật ký kết hợp đồng quốc phòng với chính phủ nước ngoài.
Hãng Mitsubishi Electric Nhật Bản vừa ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Úc vào ngày 20/10 về việc phát triển các thiết bị chung, trở thành công ty đầu tiên của Nhật hợp đồng quốc phòng với chính phủ nước ngoài.
Công ty con của Mitsubishi Electric tại Úc và quân đội Úc sẽ kết hợp các công nghệ laser để tăng cường năng lực giám sát cho các tiêm kích và các thiết bị khác.
Được biết trước đó, các nhà sản xuất quốc phòng Nhật chỉ tham gia phát triển thiết bị cho chính phủ nước ngoài thông qua Bộ Quốc phòng Nhật. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật đang phải đối diện chi phí đầu tư cao vào trang thiết bị, nhân lực. Sách trắng năm nay của Bộ Quốc phòng Nhật đã cảnh báo về sự rút lui của các công ty khỏi lĩnh vực này làm suy yếu của hệ thống sản xuất trong nước.
Mitsubishi Electric đã tham gia phát triển về quốc phòng từ thập niên 1960, chuyên về laser và tên lửa dẫn đường. Công ty đang tăng cường hoạt động kinh doanh trong mảng quốc phòng. Vào tháng 5, Mitsubishi Electric công bố kế hoạch tăng nhân viên trong lĩnh vực kinh doanh quốc phòng và vũ trụ thêm 1.000 người.
Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng hợp đồng của Mitsubishi Electric là biểu tượng của hợp tác quốc phòng và công nghệ giữa các nước, đồng thời kêu gọi tiếp tục hợp tác quốc phòng công - tư.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Minoru Kihara và người đồng cấp Úc Richard Marles, mới đây đã khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng vào hôm 19/10. Hai bộ trưởng đều hoan nghênh việc công bố hợp đồng với Mitsubishi Electric.
Tháng 8 vừa qua, Úc và Nhật đã đạt một thỏa thuận giúp đơn giản hóa thủ tục để lực lượng quân sự hai nước tiến hành các hoạt động viếng thăm.
Năm 2016, Nhật Bản từng cố gắng bán tàu ngầm Soryu do Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries chế tạo cho Úc, nhưng bị thua vào tay một công ty của Pháp. Chính phủ Úc vào thời điểm đó đang tìm cách mở rộng việc làm và chú trọng vào sản xuất trong nước cũng như chuyển giao công nghệ, còn chính phủ Nhật Bản thời điểm đó chưa thể đưa ra những điều kiện thuận lợi.