Quốc tế

Chỉ giàu bằng 1/5 Nhật Bản khi cơ cấu dân số tương đương, Thái Lan lo chưa kịp giàu đã già

Hoàng Yến 16/10/2023 21:07

Dân số già là trở ngại rất lớn đối với tương lai của nhiều nền kinh tế châu Á. Khi tỷ lệ người già của Nhật Bản ở mức tương tự Thái Lan hiện nay, nước này đã giàu gấp 5 lần.

Nhiều nước châu Á già trước khi giàu

Đối với 1 nền kinh tế, số dân trong độ tuổi lao động tăng mạnh chính là điều tốt lành. Sẽ có nhiều công nhân làm ra tiền để phụ giúp cho người già và trẻ em. Miễn là thị trường lao động có thể hấp thụ được lượng người cần tìm việc làm đang tăng lên, GDP bình quân đầu người sẽ tăng.

Cơ cấu dân số thuận lợi cũng sẽ thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu như không thể nắm bắt cơ hội này, các quốc gia sẽ rơi vào cảnh trì trệ trong thời gian dài, giống như tình cảnh mà nhiều nền kinh tế đang phát triển gặp phải.

Thái Lan là 1 ví dụ. Dân số nước này đang già hóa nhanh chóng. Năm 2021, tỷ lệ người Thái từ 65 tuổi trở lên đã chạm 14% - ngưỡng được định nghĩa là dân số già. “Xứ sở chùa Vàng” sẽ sớm rơi vào cảnh tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc và hầu hết các nước phương Tây khác. Đó là nguồn cung lao động ngày càng co hẹp trong khi nếu không có những biện pháp đặc biệt thì tăng trưởng GDP và sản lượng sẽ rất chậm.

Thậm chí, Thái Lan còn tệ hơn Nhật Bản và những nước phát triển. Với GDP bình quân đầu người chỉ đạt 7.000 USD năm 2021, nước này không được xếp vào nhóm các nền kinh tế phát triển. Thái Lan đã rơi vào cảnh già trước khi giàu. Khi tỷ lệ người già của Nhật Bản ở mức tương tự Thái Lan hiện nay, nước này giàu gấp 5 lần.

Dân số già là trở ngại rất lớn đối với tương lai của kinh tế Thái Lan. Để bảo vệ những công dân cao tuổi (mà phần lớn là người nghèo), Chính phủ Thái Lan sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho y tế và lương hưu thay vì đầu tư cơ sở hạ tầng và những thứ sẽ giúp tăng sản lượng.

Ở châu Á, Indonesia và Philippines cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Sri Lanka, nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 Thái Lan, được dự báo sẽ già hóa dân số vào năm 2028.

Tạp chí Economist nhận xét, các quốc gia già trước khi giàu đã không thể nắm bắt những cơ hội khi ở trong thời kỳ dân số vàng, hoặc già quá nhanh, hoặc mắc phải cả hai vấn đề này.

Từ năm 1960 đến 1996 (tức ngay trước khủng hoảng tài chính châu Á), GDP Thái Lan đang tăng trưởng ở tốc độ 7,5% mỗi năm – một con số ấn tượng nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 2 con số của kinh tế Nhật Bản ở thời kỳ đỉnh cao nhất. Trong khi nhờ tuổi thọ trung bình tăng và các yếu tố khác, Thái Lan đã già hóa dân số nhanh chóng. Tỷ trọng người già tăng từ 7% lên 14% chỉ trong 2 thập kỷ. Quá trình đó ở Nhật Bản kéo dài tới 24 năm, ở Mỹ là 72 năm và hầu hết các nước Tây Âu phải mất hơn 1 thế kỷ.

Hiện Ấn Độ đang là nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng vẫn chưa nhanh bằng Thái Lan trong thời hoàng kim. Trong thập kỷ 2010-2020, đất nước Nam Á tăng trưởng 6,6% mỗi năm.

Để thoát khỏi bẫy già trước khi giàu, các nước cần tăng tốc nhanh nhất có thể trong giai đoạn dân số vàng. Ấn Độ có lẽ sẽ không bao giờ có được cơ hội tốt hơn thời điểm hiện tại. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, nước này có 1 chính phủ mạnh và rất ủng hộ doanh nghiệp. Các biện pháp được đưa ra đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, từ tư nhân hóa đến nới lỏng quy định quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài. Những cải cách như vậy sẽ giúp người Ấn tận dụng được cơ hội từ làn sóng các công ty phương Tây dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Các nước cũng cần phải khởi động kế hoạch chuẩn bị cho dân số già sớm hơn, bằng cách cải cách hệ thống hưu trí (như tăng tuổi nghỉ hưu), nâng cấp thị trường tài chính, tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân phát triển để giảm gánh nặng cho ngân sách. Một biện pháp khác là tăng tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động (hiện tỷ lệ ở Ấn Độ chỉ là 24%, bằng một nửa mức trung bình trên toàn cầu).

Cuối cùng, các nước đang phát triển nên rút kinh nghiệm từ những sai lầm của người đi trước, đặc biệt là trong chính sách nhập cư. Dù có thể gặp khó khăn về chính trị, tăng lượng người nhập cư chính là cách dễ dàng nhất để trẻ hóa dân số.

Đây cũng lại là lợi thế của Ấn Độ. Với diện tích khổng lồ, nước này được hưởng lợi lớn từ dòng người di cư ngay trong nội địa. Nhiều người chuyển từ phía Bắc tới các bang giàu có hơn ở phía Nam và phía Tây để nắm bắt những cơ hội mới.

Quốc gia châu Á bùng nổ: GDP tăng trưởng top đầu thế giới, được các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn để thay thế Trung Quốc

Cháy lớn tại bệnh viện: Nhiều người mắc kẹt trong thang máy, điều động khẩn cấp 50 xe cứu thương, cảnh sát, cứu hỏa

Giá trị xuất khẩu 'báu vật' của Việt Nam tăng hơn 17%, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-nuoc-chau-a-gia-truoc-khi-giau-206009.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ giàu bằng 1/5 Nhật Bản khi cơ cấu dân số tương đương, Thái Lan lo chưa kịp giàu đã già
    POWERED BY ONECMS & INTECH