Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á kỳ vọng mang về 20 tỷ USD 'đắp chiếu' suốt 15 năm, Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Lãnh đạo Hà Tĩnh kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ sắt này do có thể phát sinh 3-4 triệu m3 nước thải ra biển, cùng với hàng tấn mìn nổ.
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố kế hoạch thanh tra chuyên đề đối với các công trình, dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp hoặc nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh nằm trong danh sách này.
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển, cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 8km và chỉ cách biển 1,6km. Được phát hiện từ năm 1960, mỏ này có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á và chiếm khoảng một nửa trữ lượng quặng sắt của cả nước.
Dự án do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, khởi động từ năm 2008 với tổng vốn khoảng 14.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2009–2011, TIC đã bóc hơn 12,7 triệu m³ đất tầng phủ, thu hồi khoảng 3.000 tấn quặng ở độ sâu 34m.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2011, Chính phủ quyết định tạm dừng dự án để tái thẩm định thiết kế kỹ thuật và cơ cấu cổ đông, do phát sinh hàng loạt vướng mắc liên quan đến tài chính, giải phóng mặt bằng và năng lực triển khai.
![]() |
Mỏ sắt Thạch Khê vào diện thanh tra sau nhiều năm bất động |
Sau nhiều năm rà soát, tháng 4/2016, dự án được phê duyệt triển khai trở lại với tổng mức đầu tư điều chỉnh lên hơn 14.500 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất khai thác 5 triệu tấn/năm trong 7 năm, giai đoạn 2 nâng lên 10 triệu tấn/năm và kéo dài trong 29 năm, với tổng tuổi thọ mỏ 52 năm.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV - KSV) đã ủng hộ việc tái khởi động dự án nhưng chính quyền tỉnh Hà Tĩnh lại liên tục bày tỏ quan ngại. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải từng khẳng định tại kỳ họp HĐND tỉnh năm 2023 rằng Hà Tĩnh “kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê” do lo ngại về hệ lụy môi trường và đời sống người dân. Theo đó, mỗi ngày khai thác mỏ có thể phát sinh 3–4 triệu m3 nước thải ra biển, cùng với hàng tấn mìn nổ chỉ cách TP Hà Tĩnh vài km đường chim bay.
Các rủi ro khác được nêu gồm xâm nhập mặn, sa mạc hóa, cạn kiệt nguồn nước ngầm, sạt lở bãi thải và tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cho rằng việc tiếp tục bỏ hoang mỏ Thạch Khê là sự lãng phí khổng lồ. Lý do là nếu khai thác hiệu quả Việt Nam có thể thu về từ 15-20 tỷ USD tiền thuế, tạo nguồn lực lớn cho ngân sách Nhà nước.
Điển hình, Hòa Phát (HPG) - tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam cũng từng muốn khai thác mỏ sắt này. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn cho biết hiện Việt Nam đang nhập khoảng 30 triệu tấn quặng sắt mỗi năm, tương đương 95% nguyên liệu đầu vào của ngành thép. Ông khẳng định việc triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê sẽ giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.
>> Mỏ sắt Thạch Khê quy mô 14.500 tỷ đồng của Vinacomin sẽ chấm dứt?