Mổ xẻ tình hình giá gạo ‘chạm đáy’ ngay đầu năm
Trước tình trạng giá gạo xuất khẩu chạm đáy ngay những ngày đầu năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lúa gạo trong nước, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đề xuất nhiều biện pháp để ứng phó với biến động của thị trường trong năm nay.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood), hiện tại, mỗi kg lúa thường tại ruộng, giá bình quân 5.400 đồng/kg, lúa thơm 7.000-8.500 đồng/kg. Tại kho, giá lúa thơm giảm xuống còn 8.000-9.500 đồng/kg, thấp hơn 40-50% so với năm ngoái.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn. Theo Vietfood, ngày 18/2, giá gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 395 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 372 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 310 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã xuyên thủng đáy của năm 2023-2024, về sát đáy của năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, khiến cho một số tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang... xuất hiện tình trạng tiểu thương dùng xe chở gạo rao bán giá rẻ dọc các tuyến đường.
Giá mỗi kg gạo "xả kho" được bán phổ biến ở mức 12.000-15.000 đồng, thấp hơn từ 4.000 - 8.000 đồng/kg so với giá bán tại chợ, do đó nhiều người dân trong khu vực đã đổ xô tới mua về tích trữ.
Theo thương lái, gạo tại kho vẫn khó bán, trong khi giá tiếp tục giảm, vì vậy, họ buộc phải bán lẻ hoặc chở bằng xe tải đi tiêu thụ ở nhiều nơi.
![]() |
Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ảnh: Quang Huy. |
Trước tình hình nguồn cung dư thừa trong khi xuất khẩu chậm lại, Bộ NN&PTNT đã có ý kiến đề xuất Bộ Công Thương thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với biến động của thị trường trong năm nay. Bộ NN&PTNT cho biết đã giảm diện tích gieo cấy lúa xuống mức 7 triệu ha trên cả nước, giảm 132.000 ha, sản lượng ước giảm 323.000 tấn so với cùng kỳ năm 2024.
Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ điều hành xuất khẩu gạo năm nay của Bộ NN&PTNT gửi Bộ Công Thương, Việt Nam dự kiến có hơn 7,5 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu trong năm 2025.
Bộ NN&PTNT nhận định, Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, trong khi thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Indonesia tự chủ lương thực và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung, điều này tác động đến lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1 vừa qua, xuất khẩu gạo sang Indonesia chỉ đạt 651 tấn, thu về khoảng 0,35 triệu USD, giảm 98% so với tháng cùng kỳ năm 2024.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu sẽ đối mặt nhiều khó khăn, cần sớm tính các phương án sản xuất và kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn là tháng 2, 3, 4, 7, 8 và tháng 9 trong năm nay để ứng phó với diễn biến thị trường; có giải pháp mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo cần thiết.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa...
>> Gạo xuất khẩu rớt giá kỷ lục, giá trong siêu thị và đại lý vẫn 'neo' cao
Gạo xuất khẩu rớt giá kỷ lục, giá trong siêu thị và đại lý vẫn 'neo' cao
Việt Nam là ‘vựa gạo’ xuất khẩu hơn 158 triệu tấn đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ