Vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên đại ngàn, giác ngộ Cách mạng khi còn là lính khố xanh

01-04-2024 15:16|Nam Trần

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và là vị tướng đầu tiên của của các dân tộc Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Y Blốk Êban sinh năm 1920, tại buôn Chư Dluê, xã Hòa Xuân, Buôn Ma Thuột trong một gia đình có 7 anh chị em. Là con trai út cho nên Y Blốk Êban là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi mới được 2 tuổi thì người cha, ông Y Chăm Byă qua đời. Người mẹ không còn cách nào khác phải dắt díu đàn con đi làm tôi tớ cho chủ nô Ma Nhơn trong vùng để kiếm sống. Có lẽ do được “Yàng” ban phước nên từ nhỏ Y Blốk Êban rất thông minh và ham học hỏi.

Từ lính khố xanh đến vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên

Năm 15 tuổi, sau khi học xong tiểu học, Y Blốk Êban bị Pháp bắt đi lính khố xanh làm gác ngục tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Tại đây, chính sách chia rẽ dân tộc được thực dân Pháp áp dụng một cách triệt để. Với âm mưu lấy người Việt trị người Việt, thực dân Pháp nghĩ rằng, mối liên kết giữa người Kinh với người Thượng, giữa người Ê đê với các dân tộc khác sẽ bị chia cắt.

Thế nhưng, thực dân Pháp không ngờ rằng, Y Blốk Êban được giác ngộ lý tưởng cách mạng sau khi tiếp xúc với một số tù chính trị trong những lần đưa tù nhân đi lao động khổ sai. Ông được giao nhiệm vụ vận động những người lính gác ngục bỏ hàng ngũ đi theo cách mạng, và âm thầm xây dựng lực lượng trong lòng địch để chờ thời cơ.

Ông Y Blốk Êban (bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nghệ An, năm 1957

Ông Y Blốk Êban (bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nghệ An, năm 1957

Thời cơ đã đến. Ngày 22/8/1945, ông dẫn đầu trung đội lính khố xanh biến buổi chào cờ của Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên thành cuộc mít tinh ủng hộ cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân. Hành động táo bạo, bất ngờ và bí mật của Y Blốk Êban dưới sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Việt Minh và Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk đã khiến cho chính quyền Trần Trọng Kim không kịp trở tay. Với chiến công đầu tiên này, đã đưa Y Blốk Êban đứng hẳn vào hàng ngũ cách mạng, ông được tham gia vào Ủy ban lâm thời của tỉnh Đắk Lắk.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hầu hết cán bộ ở Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung đều tập kết ra Bắc. Trong khi đó, Liên khu V lại muốn Y Blốk Êban ở lại để hoạt động trong lòng địch, giữ vững cơ sở cách mạng ở Đắk Lắk. Tư lệnh Liên khu V lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Chánh đã ký quyết định bổ nhiệm Y Blốk Êban làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 để đưa ra Bắc huấn luyện.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; được bồi dưỡng thêm về lý tưởng cách mạng, nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Năm 1958, ông được thăng quân hàm Thượng tá.

Năm 1958, ông trở lại Tây Nguyên, ông lại trở về với núi rừng Tây Nguyên sau khi được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn quân hàm Trung tá. Ông hiểu rằng, đó là sự gửi gắm niềm tin của vị lãnh tụ kính yêu đối với cá nhân ông nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung. Sau đó, ông giữ chức Phó Tư lệnh rồi Quyền Tư lệnh Quân khu VI. Với tài năng của mình, ông đã làm cho quân địch khi nghe đến cái tên Y Blốk Êban vừa khiếp sợ, vừa nể trọng.

Đỉnh cao trong sự nghiệp cách mạng của Y Blốk Êban cũng như những người làm cách mạng ở Tây Nguyên cùng thời với ông chính là chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975.

Năm 1974, ông được thăng quân hàm đại tá, giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân quản tỉnh Đăk Lăk. Đến tháng 1/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên, tạo thế bí mật bất ngờ cho trận đánh và nhất là rất được đồng bào Tây Nguyên ủng hộ.

Đúng 2h03 ngày 10/3/1975, cùng với các đơn vị bộ đội, Y Blốk Êban lãnh đạo quân dân các dân tộc Đăk Lăk nổ súng tiến công vào Buôn Ma Thuột. Đến 10h ngày 11/3/1975, quân dân đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Thắng lợi này đã tạo bước ngoặt quan trọng mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, Y Blốk Êban được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk. Năm 1982, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, là vị tướng đầu tiên của đại ngàn Tây Nguyên. Thiếu tướng Y Blốk Êban đã qua đời ở tuổi 97, tại nhà riêng ở phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk vào ngày 13/01/2018.

Thuyết phục kẻ địch, thượng khách của ngài chánh tổng

Cuộc đời cách mạng của ông gắn liền với công tác làm tư tưởng cách mạng. Thời Pháp thuộc, ở Phú Nhơn có một chánh tổng tên là Xã Đỏ, người Gia Rai, giàu có lắm, uy thế vang khắp cả một vùng. Nhận định rõ tình hình là nếu vận động được ông ta có cảm tình với cách mạng thì sẽ "nắm" được tất cả dân vùng Củng Sơn, Cheo Reo, Ma Đ'rắc, Đắk Lắk, Y Blốk Êban bèn tìm đến nhà ông ta với tư cách người đi săn xin được đến làm quen và có thể thì kết nghĩa anh em.

Chân dung Thiếu tướng Y Blôk Êban

Chân dung Thiếu tướng Y Blôk Êban

Vào nhà Xã Đỏ, Y Blốk Êban nhìn lên vách nứa thấy cơ man mũi lao nhọn bằng gỗ mun, có tua bằng lông đuôi voi, cán được nạm những vòng thiếc sáng loáng. Lúc này, Xã Đỏ đang ngồi bên bếp lửa với vẻ mặt dữ tướng, đầy quyền uy. Y Blốk Êban biết mình sắp phải trải qua một thử thách mới có thể thuyết phục ông ta nhận làm anh em. Sau khi nghe Y Blốk Êban bày tỏ mong muốn của mình, chẳng nói chẳng rằng, Xã Đỏ cất tiếng gọi đàn gà và bốc một nắm bắp ném ra sân. Hàng trăm con gà bỗng túa ra đầy sân, nhiều đến hoa cả mắt.

Với tay lên vách lấy cái nỏ đại đã đen bóng màu thời gian, ông ta nói với Y Blốk Êban: "Chẳng mấy khi có khách đến chơi mà bắt gà thì khó, đành phải đãi khách bằng gà chết thôi. Này, chàng thanh niên, hãy bắn giùm ta". Nghe vậy, Y Blốk Êban liền nói: "Thưa ông chánh, ông có muốn bắt gà sống không?". Xã Đỏ trố mắt: "Anh bắt được gà sống?". Y Blốk Êban nói: "Bắt gà chết thì con nít Ê Đê cũng bắt được. Thịt gà chết chua, người Ê Đê mình đâu quen ăn... Nào, ông muốn bắt con nào thì chỉ?" Ngay lập tức, Xã Đỏ chỉ vào con gà lớn nhất.

Y Blốk Êban bèn cầm mũi tên lên ngắm nghía và khẽ bấm móng tay vào đầu mũi để chẻ mũi tên ra làm đôi rồi đặt lên nỏ. Tách. Mũi tên bay đi, đàn gà bay tán loạn. Riêng con gà Xã Đỏ chỉ, bị mũi tên kẹp vào một chân găm chặt vào đất. Kinh ngạc xen lẫn thán phục, sau trận trổ tài đó, chánh tổng Xã Đỏ xem Y Blốk Êban như thượng khách... Sau này, biết Y Blốk Êban là Việt Minh, Xã Đỏ giữ kín tung tích và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ông hoạt động.

Trong một lần khác khi đi làm công tác địch vận, thuyết phục tên NĐắk. Tên này lúc bấy giờ là Chánh tổng buôn Bu Bơ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn NTrang Lơng phụ trách vùng Tây Nguyên. Sau khi quan sát qua khe nứa dựng làm vách cửa, ông phát hiện NĐắk đang ngồi nướng gà qua bếp than hồng. Sau khi đẩy cửa bước lại gần, nghe tiếng động, NĐắk đứng bật dậy theo phản xạ tự vệ rồi đưa tay nắm lấy dải khố phía trước đánh ra sau và hét lên. Ông trả lời: “Y Blốk Êban đây, anh đừng chống cự vô ích, miếng đánh khố của anh làm sao chọi được với súng của người cách mạng”.

Nghe ông nói, NĐắk chỉ biết sững sờ ngồi xuống. “Sau một hồi làm công tác tư tưởng, vừa nghiêm nghị, vừa rắn chắc nhưng hết sức mềm dẻo. NĐắk có vẻ hồi tỉnh, hắn mời tôi ăn gà nướng. Sau một hồi với sự giảng giải thấu đáo, phân tích đúng sai đã khiến NĐắk hiểu ra và hắn đã hứa sau này sẽ làm theo lời của ông, theo cách mạng.

Suýt bị kỷ luật vì 5kg vàng

Ngau sau hội nghị du kích toàn quốc ở Việt Bắc, ông Lê Văn Lương, lúc bấy giờ là Trưởng ban Tổ chức Trung ương và ông Nguyễn Chánh gọi Y Blốk Êban đến, giao nhiệm vụ vừa dẫn đoàn đại biểu vừa dự hội nghị về, vừa kết hợp nhiệm vụ chuyển hàng. Trên đường về ghé vào Khu III nhận 4 triệu bạc Đông Dương, vào đến Khu IV nhận 20kg vàng đem về Liên khu V để mua xe đạp thồ phục vụ cho chiến dịch sắp mở. Sau khi nhận đủ tiền, ngày nghỉ, đêm đi, sau 7 ngày, đoàn về đến Linh Cảm, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Thiếu tướng Y Blốk Êban cùng vợ lúc còn sống

Thiếu tướng Y Blốk Êban cùng vợ lúc còn sống

Gửi tiền lại trạm đón tiếp, Y Blốk Êban cùng một đồng chí thân cận vượt sông đi tắt sang Thanh Chương, Nghệ An để nhận đủ 20kg vàng rồi chia làm hai túi, mỗi người mang một nửa. Lúc trở lại Linh Cảm thì lại nhận được tin "Vì trong ấy khó khăn nên Trung ương tiếp tục hỗ trợ thêm 5kg vàng nữa", ông lại sang Thanh Chương nhận tiếp. Rồi từ Linh Cảm, ngày nghỉ, đêm đi, trải qua biết bao trận càn, bao lần bị đánh bom, sau hơn một tháng, đoàn về đến Liên khu V.

Khi bàn giao thấy trong giấy tờ chỉ ghi 20kg vàng nhưng đến khi cân được 25kg, Y Blốk Êban cùng anh em suýt bị kỷ luật vì "không trung thực với Trung ương, nhận quá tiêu chuẩn”. Phải giải thích mãi, nhiều đồng chí lãnh đạo mới hiểu, rằng họ đã sơ suất không lấy giấy xác nhận cấp vàng bổ sung... "Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời cách mạng của tôi" - Tướng Y Blốk Êban tâm sự trong hồi ký của mình.

Tham khảo
- Vị tướng đầu tiên của đại ngàn Tây Nguyên - Báo Biên phòng (24/03/2015)
- Y Blốk Êban - vị tướng huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên - Báo Công an Nhân dân (03/05/2015)
- Y Blốk Êban - vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên qua đời - Báo VnExpress (14/01/2018)

>> Vị tướng tình báo bí ẩn của Quân đội nhân dân Việt Nam, sở hữu điệp vụ siêu hạng ngay trong sào huyệt cơ quan tình báo của địch

Vị tướng Việt Nam khiến Tần Thủy Hoàng nể phục, được lập đền thờ ở Hà Nội

Vị tướng diệt ác, trừ gian đứng đầu 'thất hổ tướng Tây Sơn', một mình ngăn kế hoạch 50 vạn quân tiến đánh Đại Việt

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tuong-dau-tien-cua-tay-nguyen-dai-ngan-giac-ngo-cach-mang-khi-con-la-linh-kho-xanh-d119260.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên đại ngàn, giác ngộ Cách mạng khi còn là lính khố xanh
    POWERED BY ONECMS & INTECH