Một bộ phận trong cơ thể càng 'bẩn' thì càng dễ mắc ung thư, nhiều người chủ quan nên đoản thọ
Nếu bộ phận này "bẩn", suy giảm chức năng, cơ thể chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cơ thể chúng ta chỉ khỏe mạnh khi các cơ quan, bộ phận đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của chúng. Nhiều người chủ quan về sức khỏe, không quan tâm đến bản thân nên cơ thể ngày càng yếu đi, thậm chí còn mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao.
Trong cơ thể chúng ta, 1 bộ phận càng "bẩn" càng dễ gây ung thư chính là ruột. Ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, tuổi thọ của con người. Đây là 1 phần ống tiêu hóa, từ dưới dạ dày tới hậu môn, bao gồm ruột non và ruột già. Chức năng chính của bộ phận này là vận chuyển và tiêu hóa thức ăn, quyết định sự sống của cơ thể.
Sau khi ruột non hấp thụ thức ăn, ruột già sẽ làm nhiệm vụ thu thập những chất cặn bã của cơ thể để chuyển thành phân, đẩy ra ngoài cơ thể. Trong ruột có rất nhiều vi sinh vật, bao gồm những vi sinh vật tốt và xấu tạo thành 1 môi trường sinh thái. Nếu như môi trường này ổn định, chức năng của ruột sẽ được đảm bảo, chúng hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với cơ thể sống. Trong trường hợp sự cân bằng sinh thái này không được giữ vững, vi sinh vật có thể mất cân bằng, gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, thậm chí còn có nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Khi ruột "bẩn", nó khó hoàn thành nhiệm vụ của mình, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy ruột "bẩn", cần khắc phục ngay:
1. Đau bụng thường xuyên
Đau bụng có thể là vấn đề nhỏ đối với chúng ta và gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, đau bụng thường xuyên rất có thể là dấu hiệu tình trạng sức khỏe đường ruột không ổn định. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy chướng bụng, khó tiêu thậm chí còn táo bón hay tiêu chảy kéo dài thì nên chú ý tới sức khỏe của mình. Bạn nên thăm khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới các vấn đề này và giải quyết triệt để.
2. Mệt mỏi kéo dài
Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi kéo dài cũng là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đường ruột của bạn có vấn đề. Theo nhiều nghiên cứu, những người mắc hội chứng viêm ruột kích thích dễ cảm thấy mệt mỏi. Việc mất cân bằng trong ruột cũng có thể gây ra cảm giác khó chịu, uể oải, mệt mỏi, làm chúng ta khó tập trung, giảm hiệu suất công việc.
3. Rối loạn giấc ngủ
Sức khỏe đường ruột có liên quan mật thiết tới chất lượng giấc ngủ. Nếu như đường ruột có vấn đề, bạn dễ cảm thấy giấc ngủ chập chờn, ngủ không ngon và rất mệt mỏi. Theo các nghiên cứu, hầu hết các hoóc-môn bao gồm cả serotonin (có tác dụng điều chỉnh tiêu hóa, giấc ngủ, tâm trạng...) đều được sản xuất trong đường ruột. Bởi vậy, khi hệ tiêu hóa suy giảm chức năng, giấc ngủ của chúng ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
4. Không dung nạp thực phẩm
Nếu bạn cảm thấy cơ thể không dung nạp thực phẩm, rất có thể đường ruột đang có vấn đề. Khi ruột khó tiêu hóa thức ăn, nó sẽ gây ra cảm giác khó chịu như đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn... ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của con người. Khi không dung nạp đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ thể chúng ta còn đối mặt với khả năng thiếu chất, hệ miễn dịch kém.
Để tăng cường sức khỏe đường ruột, chúng ta cần duy trì lối sống tích cực và khoa học. Mỗi người cần đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn chậm, uống đủ nước, tập thể dục thể thao thường xuyên. Bên cạnh đó, chúng ta nên giữ tâm lý thoải mái, tránh xa căng thẳng và lo lắng. Lý do là bởi tâm trạng bồn chồn, căng thẳng có ảnh hưởng trực tiếp tới đường ruột, dễ khiến chức năng của cơ quan này suy giảm, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Tổng hợp