Một chi nhánh VietBank bị yêu cầu đưa nợ xấu về dưới 3%
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng mới đây đã công bố kết luận thanh tra tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín Chi nhánh tỉnh Bình Dương (VietBank Bình Dương) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu (Sacombank BRVT).
Yêu cầu VietBank Bình Dương đưa nợ xấu về dưới 3%
Thanh tra tại VietBank Bình Dương, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng, NHNN Chi nhánh Tỉnh Bình Dương chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về công tác giải ngân, quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, quy định về thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch.
VietBank Bình Dương chưa thực sự quan tâm sâu sát trong khâu thẩm định phương án vay và nguồn trả nợ của khách hàng, chỉ chú trọng vào biện pháp bảo đảm tiền vay.
Thông báo chuyển nợ quá hạn còn thiếu nội dung “lãi suất quá hạn”.
Đối với sai sót trong hoạt động cấp tín dụng, VietBank Bình Dương vi phạm nguyên tắc vay vốn đối với 3 khách hàng với tổng dư nợ 101,991 tỷ đồng (trong đó có 1 khách hàng nợ nhóm 4). Chi nhánh đã thu hồi trước hạn 1 khoản vay, còn hai khoản với tổng dư nợ 98,3 tỷ đồng.
Công tác thẩm định và xét duyệt cho vay chưa chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp và chưa có tài liệu chứng minh tổng nhu cầu vốn của 14 khách hàng, tổng dư nợ sai sót 973,116 tỷ đồng.
Về tài sản bảo đảm, VietBank Bình Dương chưa cập nhật chủ sở hữu quyền sử dụng đất dự án sang tên công ty, chưa công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các quyền sử dụng đất. Sai sót này xảy ra với hai khách hàng, tổng dư nợ 466,625 tỷ đồng.
Việc cấp tín dụng đối với 4 khách hàng, tổng dư nợ 161,557 tỷ đồng chưa được kiểm tra, giám sát sau cho vay một cách chặt chẽ, chưa đảm bảo hoặc chưa thu thập đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc thu thập chứng từ chưa phù hợp.
Kết luận thanh tra phát đi cảnh báo rủi ro tín dụng khi VietBank Bình Dương chưa có biện pháp hoặc không quản lý được nguồn trả nợ, nguồn thu của khách hàng, đặc biệt là một số khách hàng có nguồn thu nhập bằng tiền mặt khá lớn; nguồn thu từ vốn góp vào công ty không đảm bảo, chưa phù hợp; nguồn trả nợ gốc từ bán bất động sản trong tương lai; nguồn thu từ dự án cho vay cho chi nhánh tài trợ, để đảm bảo khách hàng thực hiện trả nợ đúng theo thoả thuận.
Bên cạnh đó, 9 khách hàng có tình hình tài chính hoặc báo cáo tài chính thể hiện chưa lành mạnh, chỉ số hoạt động kinh doanh không khả quan, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro tín dụng.
Khách hàng được cấp hạn mức tín dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ SXKD tại nhiều TCTD nhưng Chi nhánh chưa có biện pháp kiểm soát trước giải ngân để đảm bảo tổng số tiền giải ngân tại chi nhánh và các TCTD khác không vượt quá tổng nhu cầu vốn của khách hàng.
VietBank Bình Dương không sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng đối với nợ xấu; công tác đôn đốc xử lý nợ xấu còn chậm, chưa kịp thời và có hiệu quả.
Một số hồ sơ nợ xấu còn vi phạm nguyên tắc vay vốn, tồn tại sai sót trong công tác thẩm định, giải ngân và kiểm tra, giám sát vốn vay.
VietBank Bình Dương chưa thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin nhận biết đối với 2 khách hàng trong hoạt động phòng, chống rửa tiền.
Cơ quan thanh tra, giám sát kiến nghị Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương ban hành văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương xử lý theo thẩm quyền đối với nguyên giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương, đã có hành vi sử dụng con dấu của quỹ, ký phát hành cam kết trả nợ ngày 13/6/2024 cho khoản vay của khách hàng tại VietBank Bình Dương không phù hợp quy định pháp luật.
Kiến nghị về hoạt động cấp tín dụng, đoàn thanh tra đề nghị tiến hành thu hồi nợ trước hạn và phân loại nợ 92 tỷ đồng đối với khách hàng Phan Văn Cư; thực hiện thu thập, đánh giá lại các khoản vay của khách hàng là Công ty An Lạc Việt Land, Công ty TNHH Thảo Tâm, Công ty TNHH Huy FC Trường An, Công ty TNHH SkyBridge, Công ty TNHH VLXD Màu Xanh, và khách hàng Nguyễn Thanh Trí.
Đoàn thanh tra cũng kiến nghị chi nhánh đôn đốc và thu hồi triệt để nợ xấu, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%.
Đến thời điểm 31/10/2024 tổng huy động tại VietBank Bình Dương đạt 2.132 tỷ đồng, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 4,26% so với cuối năm 2023; lợi nhuận luỹ kế của chi nhánh lỗ 2,06 tỷ đồng. |
Khách vay tại Sacombank BRVT chưa được kiểm tra giám sát chặt nguồn trả nợ
Tại Sacombank BRVT, thanh tra về hoạt động cho vay còn tồn tại một số thiếu sót. Cụ thể, phương án vay vốn của khách hàng chưa có thông tin về tổng nguồn vốn và chi tiết tổng nguồn vốn cần sử dụng. Thanh tra phát hiện 1 trường hợp cho vay đầu tư dự án có dư nợ đến 31/7/2024 là 470,336 tỷ đồng chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ về nguồn trả nợ theo quy định.
Với những thiếu sót trên, nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng khách hàng nhiều, cán bộ quản lý chưa sâu sát trong việc thu thập hồ sơ vay vốn, trong công tác kiểm tra sau cho vay dẫn đến tồn tại, sai sót trong hoạt động nghiệp vụ cấp tín dụng.
Những sai sót này có trách nhiệm của ban giám đốc chi nhánh, các phòng nghiệp vụ có liên quan và các cá nhân được giao trách nhiệm liên quan trực tiếp đến thực hiện công việc để xảy ra tồn tại, sai sót.
Chánh Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh BRVT kiến nghị ban giám đốc Sacombank BRVT nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những tồn tại trong hoạt động; chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ liên quan tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát nội bộ; rà soát và chấn chỉnh những tồn tại đã được nêu tại Kết luận này; thực hiện khắc phục, chấn chỉnh các kiến nghị về hoạt động tín dụng, chậm nhất đến ngày 31/3/2025.
>> Ngân hàng đối mặt áp lực tiềm ẩn: Nợ xấu vẫn chưa đạt đỉnh
Vietbank tái bổ nhiệm ông Phạm Danh làm Phó Tổng Giám đốc
Gia đình Chủ tịch Vietbank Dương Nhất Nguyên đang nắm bao nhiêu vốn tại ngân hàng?