Một địa phương điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sở Xây dựng tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh ranh giới dự án để giảm thiểu chồng lấn, giao cắt với tuyến cao tốc đang thi công, bảo đảm khai thác hiệu quả cả hai công trình.
Theo Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phúc Nhân - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đang phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Xây dựng để kiến nghị điều chỉnh một số nội dung quan trọng về hướng tuyến và vị trí nhà ga của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa phương.
Trên cơ sở rà soát thực địa và đối chiếu với hồ sơ ranh giới dự án do đơn vị tư vấn lập trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh gửi nhiều văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng.

Qua kiểm tra, Sở nhận thấy phạm vi ranh giới dự án được đề xuất đi qua ba khu tái định cư mới hoàn thành thuộc các dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Điều này khiến người dân tại các khu tái định cư này có nguy cơ phải di dời thêm lần nữa, ảnh hưởng lớn đến ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, tuyến đường còn cắt qua Khu di tích địa đạo Hiệp Phổ Nam, trụ sở hành chính, nghĩa trang liệt sĩ, trường học và chợ trung tâm xã Nghĩa Hành; đồng thời băng qua hai hồ chứa nước lớn ở xã Bình Sơn, đe dọa không gian cảnh quan và an toàn nguồn nước.
Trước thực tế đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh cục bộ hướng tuyến nhằm giảm tối đa tác động tới người dân tại các khu tái định cư mới, tránh cắt qua các khu dân cư đông đúc, di tích lịch sử, trụ sở hành chính và các công trình quan trọng.
Về vị trí nhà ga, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, vị trí đề xuất chưa phù hợp với quy hoạch chung TP. Quảng Ngãi đến năm 2040 và chồng lấn Nhà máy chế biến thủy sản Phương Thảo trong Khu công nghiệp Quảng Phú, gây khó khăn cho tổ chức giao thông và ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Do đó, Sở đề nghị di dời nhà ga đến khu vực giáp ranh giữa phường Nghĩa Lộ và xã Nghĩa Giang, gần nút giao Trường Chinh - Lê Duẩn, để vừa phù hợp quy hoạch vừa thuận tiện kết nối giao thông.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt còn chồng lấn với dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn tại xã Mộ Đức, đặc biệt đoạn qua hầm cao tốc số 1, chỉ cách các hầm số 2 và 3 khoảng 100-150m, đồng thời cắt ngang hai nút giao phía Nam Quảng Ngãi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xung đột hạ tầng nghiêm trọng trong quá trình thi công và vận hành.
Trước tình hình trên, Sở Xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh ranh giới dự án để giảm thiểu chồng lấn, giao cắt với tuyến cao tốc đang thi công, bảo đảm khai thác hiệu quả cả hai công trình.
Đồng thời, Sở cũng đề nghị Bộ sớm chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt xác định và cung cấp hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng ngoài thực địa để địa phương có căn cứ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kịp thời, đúng quy định.
Được biết, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15, chính thức quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án có tổng chiều dài 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến sẽ được xây dựng mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Tổng thể dự án bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, hệ thống phương tiện, thiết bị đồng bộ. Tuyến đường sắt này được thiết kế chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng cho quốc phòng, an ninh và có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
>> Sắp thực hiện bước đầu tiên để giải phóng mặt bằng dự án ‘siêu’ đường sắt của Việt Nam
Hà Nội đầu tư 30 tỷ đồng nâng cấp hệ thống phòng cháy cho tuyến đường sắt đô thị đầu tiên
Phương án làm đường sắt vượt biển táo bạo, hình thành quần thể liên hoàn tại TP. HCM