Hơn 2.100 hộ dân tại Thanh Hóa chuẩn bị di dời, nhường chỗ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang đầu tư hạ tầng cho 39 khu tái định cư tại 16 phường, xã với tổng diện tích khoảng 300ha và kinh phí gần 3.873 tỷ đồng.
Theo Báo Tiền Phong, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung triển khai các bước thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng (GPMB) cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn qua Thanh Hóa dài khoảng 95,33km (từ Km113+800 đến Km209+130).
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng, cần thu hồi khoảng 572,99ha, trong đó 91,56ha là đất ở và 481,43ha là đất nông nghiệp, đất khác.

Dự kiến có 2.107 hộ dân phải di dời, bố trí tái định cư; khoảng 41 công trình gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng cũng cần di dời.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đang đầu tư hạ tầng cho 39 khu tái định cư tại 16 phường, xã với tổng diện tích khoảng 300ha và kinh phí gần 3.873 tỷ đồng.
>> Chốt 7 khu tái định cư cao tốc 43.500 tỷ nối Bình Định tới TP lớn thứ 2 Tây Nguyên
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng hạ tầng 1 khu tại thôn Mỹ Phong (xã Công Chính), hoàn tất thủ tục, phê duyệt thiết kế và đang GPMB 8 khu; hoàn thành lập quy hoạch chi tiết và đang lập dự án 1 khu; tiếp tục lập quy hoạch chi tiết 28 khu và lấy ý kiến người dân về vị trí xây dựng 1 khu tại xã Trung Chính.
Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu các xã, phường căn cứ hồ sơ đã lập, tập trung rà soát chính xác diện tích các loại đất bị ảnh hưởng, số hộ dân phải di dời, đặc biệt là diện tích đất ở, số hộ tái định cư, cùng các cơ sở sản xuất, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật bị tác động để làm cơ sở xác định quy mô các khu tái định cư.
Dự kiến, tháng 7/2025, Sở Công Thương và Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện rà soát các công trình điện nằm trong phạm vi GPMB để xây dựng phương án di dời phù hợp.
Được biết, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15, chính thức quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án có tổng chiều dài 1.541km, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến sẽ được xây dựng mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài khoảng 95,33 km (từ Km113+800 đến Km209+130), đi qua địa phận các phường Quang Trung, Bỉm Sơn, Hàm Rồng, Đông Tiến, Đông Sơn, Đông Quang, Trúc Lâm; cùng các xã Hoạt Giang, Hà Trung, Triệu Lộc, Hoằng Phú, Hoằng Giang, Trung Chính, Thắng Lợi, Nông Cống, Thăng Bình, Công Chính và Trường Lâm.
Tổng thể dự án bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, hệ thống phương tiện, thiết bị đồng bộ. Tuyến đường sắt này được thiết kế chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng cho quốc phòng, an ninh và có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, dự án áp dụng mô hình đường sắt chạy trên ray, sử dụng hệ thống điện khí hóa, đảm bảo hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính khoảng 67,34 tỷ USD, từ nguồn ngân sách Nhà nước, bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về sử dụng đất, dự án cần khoảng 10.827ha, trong đó có 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha thuộc các loại đất khác theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024. Riêng nhu cầu tái định cư, dự kiến khoảng 120.000 hộ dân sẽ phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng.
>> Sắp thực hiện bước đầu tiên để giải phóng mặt bằng dự án ‘siêu’ đường sắt của Việt Nam