Một mặt hàng của Việt Nam sắp bị Mỹ đánh thuế bình quân gần 400%, có hiệu lực ngay trong tháng 6
Mức thuế quan bình quân là 396% với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, 375% đối với Thái Lan và 34% đối với Malaysia.
Ngày 20/5/2025, Ủy ban Thương mại Mỹ (ITC) tiến hành biểu quyết và kết luận rằng tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á, gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Kết luận này là yếu tố then chốt cuối cùng để thuế quan đối với các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam được thực thi vào tháng 6 tới.
![]() |
Đàm phàn chưa kết thúc, Mỹ đánh thuế một mặt hàng của Việt Nam lên tới 396%. |
Theo đó, thuế quan với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ một số nhà sản xuất Campuchia, có thể lên mức tối đa 3.521%. Nhưng mức thuế quan đối với các quốc gia và nhà sản xuất khác thấp hơn nhiều. Mức thuế quan bình quân là 396% với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, 375% đối với Thái Lan và 34% đối với Malaysia.
Các mức thuế quan này được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 4 sau cuộc điều tra kéo dài một năm và đi đến kết luận rằng một số nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ 4 quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi từ các trợ cấp “không công bằng” từ chính phủ và xuất khẩu hàng sang Mỹ với giá thấp hơn chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, việc thực thi các mức thuế quan này phụ thuộc vào cuộc biểu quyết ngày 20/5 của ITC - cơ quan có nhiệm vụ xác định xem các nhà sản xuất trong nước có bị tổn hại hoặc bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu hay không.
Kết luận của ITC là một thắng lợi lớn cho các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoạt động tại Mỹ. Trước đó, các công ty gồm Hanwha Q Cells và First Solar Inc. đâm đơn khiếu nại cáo buộc tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ nhập khẩu từ Đông Nam Á khiến họ gặp khó khăn trong việc xây dựng và bán sản phẩm tại Mỹ, dù đã được ưu đãi thuế. Giá cổ phiếu của First Solar tăng gần 5% trong phiên giao dịch ngày 20/5 sau thông tin về quyết định của ITC.
"Với cuộc biểu quyết ngày 20/5/2025, không còn nghi ngờ gì nữa: Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã vi phạm luật thương mại bằng cách làm ngập tràn thị trường Mỹ bằng tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ từ các nhà máy ở nước thứ ba trên khắp thế giới. Đây là những sản phẩm được bán phá giá và nhận trợ cấp không công bằng. Điều này làm suy yếu chiến lược công nghiệp của Mỹ và làm cản trở đầu tư mới tại Mỹ", ông Tim Brightbill, luật sư chính của nhóm doanh nghiệp đệ đơn khiến nại, cho biết trong một tuyên bố sau kết quả biểu quyết của ITC.
“Điều này không thể tiếp diễn. Ngành công nghiệp đang phát triển của Mỹ xứng đáng có cơ hội cạnh tranh công bằng và bây giờ chúng ta đã có được điều đó", ông Brightbill cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc tăng thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á, từ đó gây áp lực lớn tới các công ty phát triển năng lượng tái tạo tại Mỹ.
Năng lượng mặt trời hiện là một lĩnh vực phát điện có sự tăng trưởng hàng đầu về lắp đặt ở Mỹ, do đó, thuế quan tăng lên, cùng với các chính sách khác, có thể sẽ làm cản trở sự phát triển của lĩnh vực này tại Mỹ trong thời gian tới.
Phần lớn tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại Mỹ được nhập khẩu từ châu Á. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu 12,9 tỷ USD tấm pin năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này, theo dữ liệu từ BloombergNEF.
Theo đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ, sản phẩm của công ty JinkoSolar xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu thuế quan 245%. Trong khi đó, sản phẩm của công ty Trina Solar bị đánh thuế 375% khi xuất khẩu từ Thái Lan và hơn 200% từ Việt Nam. Sản phẩm của công ty JA Solar đối mặt mức thuế quan khoảng 120% khi xuất khẩu từ Việt Nam.