Một ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 2024 tăng trưởng 90%, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10%
Ngân hàng này sẽ dùng gần hết lợi nhuận tích lũy chưa phân phối để chia cổ tức cho cổ đông.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán EIB) công bố tài liệu và chương trình dự kiến tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Năm 2023 lãi giảm 16,5%, chưa bán được cổ phiếu quỹ
Đại hội năm nay của Eximbank được chuẩn bị trong bối cảnh ngân hàng vừa trải qua cơn khủng hoảng trên mạng xã hội liên quan vụ nợ thẻ tín dụng. Sự việc bắt đầu từ việc một khách hàng được cho là nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, 11 năm sau nhận thông báo nợ 8,8 tỷ đồng lan truyền trên mạng xã hội.
Sự kiện đẩy lên cao trào khi khách hàng thuê luật sư, nhiều tình tiết trong việc mở thẻ được công bố. Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc, yêu cầu Eximbank có báo cáo sự việc, công bố với khách hàng và truyền thông. Phía Eximbank sau đó lên tiếng, “đổ” do cán bộ phụ trách “cứng nhắc”, và khẳng định sẽ không thu 8,8 tỷ đồng. Kết quả cuối cùng vụ việc chưa được các bên công bố.
Tuy vậy, sự kiện đã có ảnh hưởng lan tỏa không tốt. Báo cáo đo lường sự vụ khủng hoảng trên mạng xã hội & online từ YouNet Media còn cho thấy đây là cuộc khủng hoảng truyền thông lớn thứ 2 trong ngành ngân hàng từ năm 2023 đến nay, chỉ sau độ nóng của vụ ngân hàng SCB liên quan Vạn Thịnh Phát.
>> Vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng: Cú thua 0-3 của Eximbank
Giữa lùm xùm nợ thẻ tín dụng, Eximbank công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với những tiêu chí đáng chú ý. Cụ thể, sau năm 2022 lãi đột biến 2.946 tỷ đồng, thì năm 2023 lợi nhuận giảm sút 16,5% còn 2.165 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm sút là mảng kinh doanh cốt lõi biến động thất thường. Thu nhập lãi thuần cả năm 2023 của Eximbank đạt 4.597 tỷ đồng, giảm 18% tương ứng giảm 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Chất lượng nợ vay cũng giảm sút khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,79% hồi đầu năm lên 2,65% tính đến cuối năm 2023, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 1.800 tỷ đồng và nợ nghi ngờ gấp 3 lần cùng kỳ, lên hơn 1.400 tỷ đồng. Eximbank lý giải, tình hình khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tới khả năng trả nợ của khách hàng, khiến nợ xấu của các TCTD gia tăng.
>> Eximbank (EIB) kinh doanh ra sao giữa 'lùm xùm' vụ tính nợ tín dụng gấp 1.000 lần gốc sau 11 năm?
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu EIB cũng không có đà bứt phá. Giai đoạn tháng 7, tháng 8/2023 cổ phiếu EIB có lúc chạm ngưỡng 22.000 đồng/cổ phiếu và sau đó giảm mạnh. Từ mấy tháng cuối năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024, EIB luôn duy trì mức giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.
Đây cũng là nguyên nhân khiến ngân hàng chưa thể hoàn thành kế hoạch bán cổ phiếu quỹ đã được thông qua trước đó. Báo cáo kết quả thực hiện bán cổ phiếu quỹ trong năm 2023, HĐQT công ty cho biết mục tiêu đưa ra là bán cổ phiếu quỹ với giá không thấp hơn 20.199 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy trong thời gian thực hiện từ 15/1 đến 7/2/2024, ngân hàng chưa bán được cổ phiếu nào do giá thị trường chưa đạt yêu cầu.
HĐQT sẽ thực hiện tiếp phương án bán toàn bộ cổ phiếu quỹ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua. Hiện Eximbank còn 6,09 triệu cổ phiếu quỹ với giá trị ghi sổ tại thời điểm 31/12/2023 là 2.897 tỷ đồng.
Điểm nhấn tích cực trong năm 2023 là việc Eximbank thực hiện công tác mở rộng mạng lưới sau nhiều năm tạm ngưng thực hiện. Báo cáo cho thấy trong năm ngân hàng đã mở mới 8 điểm giao dịch (4 chi nhánh và 4 phòng giao dịch).
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, năm 2023 Eximbank là một trong số ít các ngân hàng gia tăng tuyển dụng. Tổng số nhân viên đến cuối năm đạt 6.234 người, tăng 606 nhân sự so với đầu năm.
Kết quả hoạt động của công ty con – Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) khả quan với việc thu hồi 856 tỷ đồng nợ gốc; tổng lãi đạt 277 tỷ đồng.
Tham vọng lãi tăng trưởng 90%, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10%
Với kết quả đạt được năm 2023, Eximbank cho biết, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm còn 1.800 tỷ đồng, ngân hàng sẽ dùng 1.740 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông, tổng tỷ lệ 10%. Trong số đó, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.218 tỷ đồng) và dùng 522 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3%.
Cùng với tờ trình phương án phân phối lợi nhuận trong đó có chia cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2024, Eximbank trình phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.
Theo đó Eximbank sẽ phát hành 121,86 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ phát hành 7%. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 1.218 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành Eximbank tăng vốn điều lệ lên 18.688 tỷ đồng.
Năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp. Dù vậy, tại Việt Nam, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với các chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 15%.
Trên cơ sở phân tích đánh giá các yếu tố tác động, Eximbank mạnh dạn đặt mục tiêu kinh doanh chính năm 2024 với tham vọng lãi trước thuế 5.180 tỷ đồng, tăng trưởng 90% so với lợi nhuận đạt được năm 2023 (2.720 tỷ đồng).
Về tín dụng, năm 2024 Eximbank đặt mục tiêu dư nợ cấp tín dụng (bao gồm TPDN) đạt 161.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6%; phấn đấu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nhóm 3-5) ở mức 1,8%.
Ngoài ra, Eximbank đặt mục tiêu gia tăng tài sản 11% trong năm, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn cuối kỳ tăng 10,5% lên 175.000 tỷ đồng.
>> Vụ Eximbank - cuộc khủng hoảng truyền thông lớn thứ 2 của ngành ngân hàng kể từ 2023