Thua 0-3 và không có bàn gỡ, Eximbank bất ngờ tự đẩy cuộc khủng hoảng truyền thông đi ngày càng xa.
Chiều ngày 21/3, tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP. HCM, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank – mã chứng khoán EIB) thông tin chính thức về vụ ‘nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, gánh nợ 8,8 tỷ đồng’.
Bàn thua thứ 1 – thua khách hàng
Thông tin ông Vũ đưa ra cho biết, trường hợp nợ thẻ tín dụng của khách hàng (như khách hàng P.H.A trong sự việc), cán bộ phụ trách phải căn cứ vào tình hình nợ xấu để đề xuất lãnh đạo mức thu phí phù hợp.
Phía Eximbank “đổ” cho cán bộ phụ trách làm việc máy móc, không thực hiện quy trình và gửi thông báo đến cho khách hàng, dẫn đến sự bức xúc trong thời gian qua.
Bức xúc lên đến đỉnh điểm khi khách hàng P.H.A tìm đến luật sư, yêu cầu gặp phía ngân hàng Eximbank để làm việc. Ngày 19/3 hai bên đã có buổi gặp gỡ.
>> Eximbank tuyên bố 'không thu khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng'
Ngay sau đó, sự việc có vẻ chưa tiến triển khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có công văn yêu cầu Eximbank phải bố trí lãnh đạo trực tiếp trả lời/thông tin với báo chí, dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và hướng xử ký. NHNN cũng phải “hạn” cho Eximbank báo cáo ngay trong ngày 19/3.
Tuy vậy cũng phải gần 3 ngày sau, cũng trong buổi họp báo, ông Vũ khẳng định “chắc chắn sẽ không có chuyện ngân hàng thu 8,8 tỷ đồng”.
Bàn thua thứ 1 – bàn thua với khách hàng của Eximbank chắc chắn sẽ còn được nhắc lại, làm ví dụ cho các bài học về xử lý khủng hoảng với ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Thua dư luận, thua cách xử lý khủng hoảng
Nếu không có vụ anh P.H.A, thực sự sẽ còn nhiều khách hàng “mất tiền” với thẻ tín dụng. Sự việc bị đẩy lên cao trào cũng nhờ một phần là số tiền “khủng” khiến cộng đồng phải vào cuộc. Tin lan truyền không chỉ một phần “trợ lực” cho khách hàng, một phần cũng vì tuyên truyền cho chính bản thân mình cách dùng thẻ tín dụng an toàn nhất.
Ngay sau khi bản báo nợ của Eximbank được tiết lộ, độc giả, người quan tâm trên cả nước vào cuộc. Có nhiều bên còn mời cả luật sư, tư vấn, đánh giá, và có cái nhìn khách quan từ nhiều phía.
Báo cáo đo lường sự vụ khủng hoảng trên mạng xã hội & Online News 2022-2023 từ YouNet Media cho thấy, phát sinh trung bình/ngày ở các sự vụ ngân hàng, sự vụ lần này có lượng thảo luận trung bình cao hơn 2,5 lần - chỉ thấp hơn sự vụ của ngân hàng SCB. Từ đó YouNet Media cho rằng sự vụ của ngân hàng Eximbank có thể xem là cuộc khủng hoảng truyền thông mạng xã hội lớn thứ 2 trong ngành ngân hàng từ năm 2023 đến nay.
Báo cáo đánh giá cũng ghi nhận, hơn một nửa các thảo luận là các cảm xúc tiêu cực, cho thấy dư luận bất bình với sự vụ. Trong số hơn 42.000 thảo luận tiêu cực trên mạng xã hội, có đến 16,9% bày tỏ sự bức xúc với Eximbank. Có đến 9% trong đó kêu gọi kiểm tra thẻ, hủy thẻ tín dụng với lo sợ “bỗng dưng gánh nợ”.
Thậm chí có đến 3.800 thảo luận chia sẻ rằng, sau khi rà soát lại thông tin, hóa ra mình cũng là “con nợ” nhiều năm qua của ngân hàng.
Trước sự bức xúc của dư luận, Eximbank đã lên tiếng, khẳng định nhân viên đã “máy móc” và xác định ngân hàng “không thu khoản tiền 8,8 tỷ đồng”. Đây là bàn thua thứ 2 – bàn thua đau trước dư luận và xử lý khủng hoảng của Eximbank.
>> Vụ Eximbank - cuộc khủng hoảng truyền thông lớn thứ 2 của ngành ngân hàng kể từ 2023
Thua lý lẽ, thua sự thật
Tại buổi họp báo kinh tế TP. HCM chiều 21/3, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh TP. HCM Võ Minh Tuấn cũng phát biểu ‘với con số 8,5 triệu đồng, sau 11 năm tăng lên 1.000 lần thì bất kỳ ai nghe qua đều thấy sự bất hợp lý”.
NHNN cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại các chủ thẻ gặp trường hợp tương tự, yêu cầu các ngân hàng phải tư vấn đầy đủ các nội dung chính của dịch vụ để khách hàng nắm rõ.
>> Vụ Eximbank: Nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ đồng 'rất bất hợp lý'
Phía Eximbank “xoa dịu”, cho rằng, thông thường, với các khoản nợ tương tự, chỉ thu nợ gốc và một phần lãi phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Eximbank lại để quá lâu để xử lý khủng hoảng? Tại sao ngay khi khách hàng mời luật sư, gặp gỡ 2 bên mới lên tiếng “xoa dịu” và “chịu thua” khi cho rằng trách nhiệm thuộc về nhân viên quá máy móc? Phải chăng do Eximbank đang 'một mình một ngựa' áp dụng lãi kép, trong khi phần lớn các ngân hàng đã và đang áp dụng cách tính nợ thẻ tín dụng thông thường?
>> Eximbank đổi chính sách thu phí sau vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ?
Cả phía khách hàng và Eximbank không công bố thông tin buổi gặp giữa luật sư và phía ngân hàng, tuy vậy kết quả cho thấy Eximbank đã bị ghi bàn – bàn thua thứ 3 – thua lý lẽ của dư luận, của sự thật, của diễn biến câu chuyện.
Thua 0-3 và không có bàn gỡ, Eximbank bất ngờ tự đẩy cuộc khủng hoảng truyền thông đi ngày càng xa.
>> Góc nhìn luật sư từ vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank 8 triệu đồng, sau 11 năm 'gánh' 8,8 tỷ đồng
Eximbank tuyên bố 'không thu khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng'
Vụ Eximbank - cuộc khủng hoảng truyền thông lớn thứ 2 của ngành ngân hàng kể từ 2023