Eximbank (EIB) kinh doanh ra sao giữa 'lùm xùm' vụ tính nợ tín dụng gấp 1.000 lần gốc sau 11 năm?

15-03-2024 11:17|Hồ Nga

Eximbank (EIB) ghi nhận nợ xấu tăng cao, hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm sút.

Những ngày gần đây sự kiện khách hàng bị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán EIB) đòi nợ 8,8 tỷ đồng thẻ tín dụng cho khoản chi tiêu 8,5 triệu đồng. Dù khách hàng khẳng định khoản chi tiêu đó là không phải của họ, nhưng khách đang bỗng dưng bị nợ khoản tiền đối với nhiều người là tích lũy cả đời người. Tổng số tiền Eximbank yêu cầu khách hàng trả là hơn 8,8 tỷ đồng, tương ứng bình quân lãi suất tính trên nợ gốc là gần 88%, tổng 11 năm thì khoản nợ đội lên hơn 1.000 lần!

>>Giải mã vụ nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ: Bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp 1.000 lần sau 11 năm?

Câu chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết do các bên vẫn đang đưa ra quan điểm và ý kiến từ hai phía. Sự việc tiến triển vẫn đang chờ các động thái tiếp theo của cả 2 bên.

Giữa lùm xùm vụ tính nợ tín dụng gây bão mạng và rất nhiều người dân quan tâm, chúng tôi điểm lại hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Nợ xấu tăng cao, hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm sút

Về tình hình kinh doanh, BCTC hợp nhất quý IV/2023 ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm giảm sút 16,7% xuống còn 2.720 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.165 tỷ đồng, giảm sút 16,5% so với năm trước đó.

Eximbank từ một "thế lực" trong ngành tài chính, đã lao dốc không phanh từ năm 2012. Năm 2022, ngân hàng bắt đầu lãi đột biến thì năm 2023 vừa qua lại chứng kiến việc lợi nhuận sụt giảm sâu.

Eximbank (EIB) đang kinh doanh ra sao giữa 'lùm xùm' vụ tính nợ tín dụng?

Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận giảm sút là thu nhập lãi thuần - hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng biến động thất thường. Báo cáo ghi nhận thu nhập lãi thuần cả năm đạt 4.591 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022.

Trong cấu thành thu nhập lãi thuần của Eximbank, ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 14.699 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ; trong khi đó, chi phí trả lãi và các chi phí tương tự tăng đến 53,5%.

Eximbank (EIB) đang kinh doanh ra sao giữa 'lùm xùm' vụ tính nợ tín dụng?

Hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm sút cũng thể hiện bề mặt kinh doanh của ngân hàng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm đạt 140.448 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thời điểm đầu năm, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm trên 71% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Chất lượng nợ vay cũng giảm sút trầm trọng khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,79% hồi đầu năm lên 2,65% tính đến cuối năm 2023. Trong số đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.800 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng gấp 3 lần cùng kỳ, lên trên 1.400 tỷ đồng. Trong năm, Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng hơn 1.500 tỷ đồng.

Tổng huy động từ khách hàng đến cuối năm đạt 156.329 tỷ đồng, tăng 5,2% so với thời điểm đầu năm, trong đó tiền gửi không kỳ hạn chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa đến 16%.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank năm 2023 cũng tăng đột biến gần gấp 7 lần cùng kỳ, lên 694 tỷ đồng.

Cắt giảm mạnh tiền lương nhân viên

Kinh doanh sa sút, Eximbank cắt giảm mạnh tiền lương nhân viên. Báo cáo ghi nhận riêng trong quý IV/2023, tổng chi phí cho nhân viên giảm 34% xuống còn hơn 523 tỷ đồng, trong đó riêng chi lương và phụ cấp giảm 37% xuống còn 445 tỷ đồng.

Tổng chi lương, phụ cấp các loại giảm trong khi đó Eximbank vẫn tiếp tục gia tăng nhân sự. Tính chung trong năm 2023 Eximbank có thêm 606 nhân sự, nâng tổng số nhân viên đến cuối năm lên 6.234 người.

Biến động thất thường trong đội ngũ lãnh đạo

Không chỉ vấn đề thu nhập nhân viên, diễn biến thất thường của Eximbank còn thể hiện ở đội ngũ lãnh đạo. Trong những năm gần đây, Eximbank thay lãnh đạo "như thay áo". Điều này khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về đường lối lãnh đạo tại Eximbank - một trong những ngân hàng thương mại lớn - có thật sự nhất quán.

>>Eximbank (EIB) đi ngược sóng ngân hàng, thất bại trong việc bán cổ phiếu quỹ ở mức giá cao

Mới tháng 2 năm nay, Eximbank công bố thông tin về việc bà Lê Thị Mai Loan từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) vì lý do cá nhân chỉ sau chưa đầy 1 năm cầm quyền. Quay ngược thời gian về trước đó 1 tháng, Eximbank có sự thay đổi khác là ông Trần Tấn Lộc đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Eximbank để tập trung vào nhiệm vụ tại HĐQT. Ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc thay thế.

Không chỉ biến động thường xuyên nhân sự lãnh đạo, Eximbank là một trong số ít các ngân hàng mà các lãnh đạo không/ít nắm giữ cổ phần. Vị nữ Chủ tịch trẻ tuổi Đỗ Hà Phương và những người liên quan còn không sở hữu cổ phần nào.

Sở hữu cổ phần nhiều nhất trong các lãnh đạo tại Eximbank thuộc về thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú với hơn 19,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,12%).

Tổng cộng toàn bộ lãnh đạo công ty và những người liên quan cũng chỉ nắm giữ hơn 37 triệu cổ phần (tỷ lệ 2,16%). Đây là một trong những điểm khiến nhà đầu tư không an tâm nhất khi lựa chọn cổ phiếu để nắm giữ.

>>Một thành viên HĐQT Eximbank bất ngờ rời ghế nóng

Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, người dân cần lưu ý gì khi sử dụng thẻ tín dụng?

Giải mã vụ nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ: Bằng cách nào dư nợ có thể tăng gấp 1.000 lần sau 11 năm?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/eximbank-eib-dang-kinh-doanh-ra-sao-giua-lum-xum-vu-tinh-no-tin-dung-226460.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Eximbank (EIB) kinh doanh ra sao giữa 'lùm xùm' vụ tính nợ tín dụng gấp 1.000 lần gốc sau 11 năm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH