Mua vàng tại ngân hàng, ông Trần khiến ngân hàng 'bốc hơi' 73.000 tỷ sau một bài đăng, lập tức bị bắt, có thể đối diện án phạt 7 năm
Sau khi mua 2 thỏi vàng tại ngân hàng, người đàn ông này đã tố ngân hàng bán vàng giả khi chưa có căn cứ gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Ngày 2/7, Bộ Công an Trung Quốc công bố danh sách những vụ phát tán tin đồn nghiêm trọng trên mạng, trong đó, sự việc liên quan đến “thỏi vàng giả của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 5/2025, khi ông Trần (46 tuổi) ở Thượng Hải mua hai thỏi vàng tại một chi nhánh ICBC. Ngay sau đó, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội với tiêu đề gây sốc: “ICBC bán vàng giả, thông báo chính thức xác nhận!”. Trong video, người đàn ông họ Trần cầm một thỏi vàng, tuyên bố bên trong có “tạp chất đen” và kèm theo hình ảnh một văn bản kiểm định. Mặc dù video có nhiều điểm nghi vấn, nhưng chỉ trong vòng một ngày đã thu hút hơn 100.000 lượt thích, 50.000 lượt chia sẻ và hàng loạt bình luận lan truyền tin thất thiệt. Thậm chí, có đối tượng còn tận dụng cơ hội để quảng bá dịch vụ bán vàng riêng “uy tín”.
Một nhân viên tại chi nhánh ICBC cho biết, cùng chiều hôm đó, hơn 30 khách hàng kéo đến ngân hàng đòi hoàn trả vàng, khiến hệ thống điện thoại bị quá tải. Sự việc gây tác động không nhỏ đến thị trường tài chính, cổ phiếu ICBC giảm 3,2%, vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 2 tỷ NDT (tương đương khoảng 73.000 tỷ đồng).

Trước tình hình căng thẳng, ICBC nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra. Sau khi đạt thỏa thuận với khách hàng, hai thỏi vàng được gửi đến Trung tâm kiểm định chất lượng vàng bạc quốc gia tại Viện Kỹ thuật Đo lường Thượng Hải, toàn bộ quá trình có sự giám sát của Văn phòng công chứng quận Gia Định. Kết quả xác nhận cả hai thỏi vàng đều đạt hàm lượng vàng 99,99%, không có dấu hiệu kém chất lượng. Các tạp chất được kết luận là vật chất bám bên ngoài, đã được loại bỏ khi làm sạch. Kết quả kiểm định này đã được khách hàng chấp thuận.
Theo tìm hiểu, vàng vật chất do các ngân hàng quốc doanh cung cấp thường được nhập từ các đơn vị chính thống như Công ty Tiền vàng Trung Quốc, với những sản phẩm tiêu biểu như đồng xu Panda. Các sản phẩm vàng mang thương hiệu riêng của ngân hàng thường do đối tác sản xuất theo đơn đặt hàng và phải có chứng nhận đầy đủ. Trong vụ việc, thỏi vàng in chữ “Chiêu Kim” do Tập đoàn Chiêu Kim – đối tác trong dòng sản phẩm “Như Ý Kim” của ICBC – sản xuất. Tập đoàn này có lịch sử hoạt động từ năm 1974 tại tỉnh Sơn Đông, với lĩnh vực chính là khai khoáng và chế biến kim loại quý.
Một quản lý phòng kim loại quý của ICBC cho biết ngân hàng thực hiện mô hình ủy thác sản xuất, khác với một số ngân hàng nhập khẩu trực tiếp thành phẩm từ công ty vàng. Dù theo hình thức nào, tất cả đều phải tuân thủ quy trình kiểm định nghiêm ngặt với nhiều bước đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, kiểm định thường được thực hiện ngẫu nhiên, nên vẫn có khả năng xảy ra sai sót như lỗi trong quá trình kiểm tra lô hàng, bị đánh tráo trong vận chuyển hoặc tái sử dụng vàng thu hồi mà không kiểm tra kỹ.
Trong trường hợp này, khách hàng đã mang vàng đến tiệm để chế tác trang sức, khi cắt và nung lửa, hiện tượng thỏi vàng chuyển đen khiến họ nghi ngờ có tạp chất. ICBC khẳng định tạp chất là vật chất bám bên ngoài sau khi bán, tuy nhiên không nêu rõ vật chất này là gì.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thu mua vàng cho biết, vàng nguyên chất 99,99% không bị đen khi nung, trái lại càng nung càng sáng. Nếu có hiện tượng đen, khả năng cao là do chất hàn hoặc các tạp chất khác như bùn dầu bám lâu ngày, tuy nhiên những yếu tố này đều có thể làm sạch trước khi nung.

Hình ảnh thỏi vàng được cắt ra với 1 vết đen bị nghi là “vàng giả"
Sau khi ông Trần bị bắt, cảnh sát phát hiện ông không hành động đơn lẻ mà là một mắt xích trong nhóm có tổ chức gồm người viết kịch bản, chỉnh sửa video và định hướng dư luận qua phần bình luận. Mục tiêu là thu hút lượt theo dõi để tạo ảnh hưởng, qua đó tìm kiếm lợi ích tài chính. Một chuyên gia an ninh mạng nhận định, nhóm này đã khai thác triệt để tâm lý lo ngại tài chính và sự tò mò trước các tin tức “nội bộ” của người dùng mạng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ. Nguy hiểm hơn, các bình luận còn lồng ghép những lời mời chào đầu tư vàng sinh lời cao, thực chất là chiêu trò lừa đảo.
Với hành vi bịa đặt và tung tin thất thiệt gây hậu quả nghiêm trọng, ông Trần đã bị cơ quan công an tạm giam. Theo luật Trung Quốc, ông này có thể đối mặt với mức án lên tới 7 năm tù và phải bồi thường thiệt hại cho ngân hàng. Một giáo sư tại Học viện Chính pháp Thượng Hải khẳng định: “Thời đại ai cũng có thể trở thành người đưa tin, nhưng mọi lời nói, hành động đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Ngân hàng ICBC tuyên bố sẽ tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính và chủ động phát hiện, xử lý các thông tin sai lệch. Đại diện ICBC nhấn mạnh rằng ngân hàng luôn ủng hộ việc đầu tư thông minh, nhưng không thể chấp nhận hành vi lợi dụng danh nghĩa chính nghĩa để lan truyền tin đồn thất thiệt, làm tổn hại đến uy tín của tổ chức.
Tổng hợp
>> Bắt nữ giúp việc trộm tiền mặt, vàng giá trị gần 5 tỷ của chủ nhà