6 tháng đầu năm, quốc gia nào rót vốn vào Việt Nam nhiều nhất?
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới tại Việt Nam, Singapore bất ngờ vươn lên vị trí số một với hơn 2,4 tỷ USD, vượt qua Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Thống kê, Singapore rót 2,41 tỷ USD vào Việt Nam, dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài có dự án cấp mới trong nửa đầu năm, chiếm 25,9% tổng vốn đăng ký cấp mới, vượt qua Trung Quốc (2,13 tỷ USD, chiếm 22,9%) và Thụy Điển (1 tỷ USD, chiếm 10,8%). Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) và Quần đảo Virgin thuộc Anh cũng nằm trong nhóm các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong giai đoạn này.
Tổ hợp VSIP là biểu tượng hợp tác chiến lược giữa Việt – Singapore. Đến nay có 13 VSIP trên cả nước do Sembcorp và Becamex IDC phát triển, với tổng vốn lên đến 17 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. Singapore cũng đầu tư mạnh vào điện khí hóa lỏng (LNG). Các dự án như nhà máy LNG Bạc Liêu (4 tỷ USD), Long An I-II (3,12 tỷ USD) là ví dụ tiêu biểu.
Tính đến hết ngày 30/6/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này bao gồm ba cấu phần chính: vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn – mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 9,29 tỷ USD, từ 1.988 dự án được cấp phép, tăng 21,7% về số dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất, với tổng giá trị đăng ký đạt 5,06 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng vốn đăng ký mới.
Đáng chú ý, vốn đăng ký điều chỉnh tăng đột biến, đạt 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng đáng kể, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với những dự án đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như xu hướng mở rộng quy mô đầu tư.
Ngoài hai kênh đầu tư chính nói trên, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, có 1.708 lượt góp vốn và mua cổ phần với tổng giá trị 3,28 tỷ USD, tăng 73,6% so với cùng kỳ.
![]() |
(Ảnh minh họa) Singapore dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài có dự án cấp mới trong nửa đầu năm. |
Không chỉ tăng về vốn đăng ký, FDI thực hiện tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, với 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt dòng vốn thực hiện, đạt 9,56 tỷ USD, tương đương 81,6% tổng vốn FDI thực hiện.
Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực. Dòng vốn từ các đối tác lớn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Điển đang mở ra nhiều cơ hội phục hồi và tăng trưởng cho nền kinh tế trong nửa cuối năm 2025.