Thế giới

Mỹ đã đánh mất vị thế cường quốc sản xuất số 1 thế giới như thế nào?

Ngọc Hân 16/04/2025 - 20:31

Ông Trump khẳng định kế hoạch áp thuế của mình sẽ giúp khôi phục ngành sản xuất Mỹ, nhưng giới kinh tế học lại tỏ ra hoài nghi.

Vào những năm 1950, khoảng 35% việc làm trong khu vực tư nhân tại Mỹ thuộc lĩnh vực sản xuất. Ngày nay, số lao động trong ngành chỉ còn 12,8 triệu người, tương đương 9,4% tổng số việc làm khu vực tư nhân.

Tổng thống Donald Trump cho biết chính sách thuế quan toàn diện mà ông đề xuất nhằm đưa ngành sản xuất quay trở lại nước Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng thuế quan khó có thể biến điều đó thành hiện thực và lo ngại thiệt hại sẽ vượt xa lợi ích.

Để hiểu liệu Mỹ có thể phục hồi ngành sản xuất hay không, các chuyên gia đã phân tích cách mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đánh mất vị thế sản xuất hàng đầu toàn cầu.

Thời hoàng kim của ngành sản xuất Mỹ

Sự trỗi dậy của nước Mỹ như một cường quốc sản xuất được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố đan xen. Vào đầu những năm 1900, Mỹ tiên phong trong việc chuẩn hóa linh kiện và tổ chức sản xuất hàng loạt. Bà Susan Helper, nhà kinh tế học tại Đại học Case Western Reserve, chỉ ra rằng chiến tranh thế giới thứ 2 đã giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất của Mỹ, trong khi phần lớn các đối thủ cạnh tranh bị tàn phá.

Mỹ đã đánh mất vị thế cường quốc sản xuất số 1 thế giới như thế nào? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: WSJ

Sau chiến tranh, tầng lớp trung lưu mở rộng, kéo theo nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng bền như ô tô và đồ gia dụng cho những ngôi nhà mới mua. Khi đó, nước Mỹ là khách hàng lớn nhất của chính mình.

Nhiều sản phẩm được coi là công nghệ cao vào thời điểm đó - như máy rửa chén, tivi, máy bay phản lực - xuất phát từ những đột phá trong chiến tranh. Việc sản xuất chúng tại Mỹ là điều dễ hiểu bởi quá trình đổi mới đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhóm R&D (nghiên cứu và phát triển) và dây chuyền sản xuất.

Mỹ cũng sở hữu lực lượng lao động có trình độ cao nhất thế giới nhờ phong trào phổ cập trung học từ đầu thế kỷ XX.

Dịch vụ lên ngôi

Sau những năm 1950, vai trò của ngành sản xuất trong nền kinh tế Mỹ dần suy giảm, một phần do mức sống tăng lên khiến người dân chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ như du lịch, ăn uống, chăm sóc sức khỏe.

“Bạn càng giàu, bạn càng mua ít hàng hóa và tiêu nhiều hơn cho dịch vụ”, Helper lý giải.

Việc làm cũng dịch chuyển theo xu hướng tiêu dùng, ngày càng nhiều người làm việc trong các ngành dịch vụ như khách sạn, ngân hàng, luật và y tế. Dù có lúc suy thoái rồi hồi phục, số lượng việc làm trong ngành sản xuất gần như không tăng từ giữa thập niên 1960 đến đầu những năm 1980, trong khi dịch vụ bùng nổ.

Mỹ đã đánh mất vị thế cường quốc sản xuất số 1 thế giới như thế nào? - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: WSJ

Bên cạnh đó, nơi sản xuất hàng hóa tiêu dùng dần dịch chuyển về miền Nam nước Mỹ - nơi chi phí lao động thấp hơn. Đồng thời, các khu vực kém phát triển tại Mỹ Latinh và châu Á bắt đầu sản xuất hàng tiêu dùng không bền với giá rẻ hơn, dẫn đến việc Mỹ ngày càng nhập khẩu nhiều hơn, kể cả những mặt hàng gia dụng đơn giản như máy xay sinh tố.

Cú sốc Trung Quốc

Từ những năm 1980, ngành sản xuất Mỹ bắt đầu gặp khó khăn trước làn sóng cạnh tranh từ các nước có chi phí lao động thấp. Việc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hạ thuế đối với hàng hóa Mexico càng làm gia tăng áp lực trong thập niên 1990.

Thêm vào đó, ngành thép Mỹ cũng xảy ra tình trạng mất việc làm khi các nước đang phát triển như Hàn Quốc mở rộng sản xuất và gây dư cung toàn cầu, theo nhà kinh tế Susan Houseman tại Viện W.E Upjohn.

Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất đến sau năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa với đầu tư nước ngoài và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Giáo sư Gordon Hanson (ĐH Harvard) bình luận: “Đột nhiên, thế giới có thêm một quốc gia chi phí thấp với năng lực sản xuất khổng lồ. Đó là một thay đổi mang tính bước ngoặt”.

Trước đó, Mỹ từng đối mặt với cạnh tranh từ nhiều quốc gia, nhưng chưa từng gặp đối thủ có dân số vượt trội như Trung Quốc, lại trỗi dậy nhanh chóng hơn cả Nhật Bản. Năm 1999, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 Mỹ - kém cả Thụy Điển.

Đến năm 2008, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.

Ngành sản xuất đồ gia dụng, nội thất... tại Mỹ đặc biệt lao đao. Hanson cùng các nhà nghiên cứu David Autor và David Dorn đã gọi tác động này là “Cú sốc Trung Quốc” - một thuật ngữ vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay.

Mỹ đã đánh mất vị thế cường quốc sản xuất số 1 thế giới như thế nào? - ảnh 3
Ảnh minh họa. Nguồn: WSJ

Liệu ngành sản xuất có thể hồi sinh?

Giới kinh tế học từ lâu phản đối việc sử dụng thuế quan quy mô lớn và quan điểm đó vẫn không thay đổi. Họ cho rằng giá cả tăng sẽ làm giảm chi tiêu vào hàng hóa, dịch vụ khác - kể cả sản phẩm trong nước. Kết quả là phần lớn người dân Mỹ sẽ thiệt, dù một số nhà sản xuất có thể được lợi.

Ngay cả khi số việc làm ngành sản xuất tăng 30%, ông Hanson lưu ý rằng tỷ lệ đóng góp của ngành này vào việc làm khu vực tư nhân cũng chỉ đạt khoảng 12% - vẫn thấp hơn nhiều so với quá khứ.

Tuy vậy, Houseman đánh giá rằng việc làm trong ngành sản xuất có khả năng lan tỏa, tạo thêm công việc gián tiếp ở các lĩnh vực khác. Bà là một trong số ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ nên tăng cường sản xuất nội địa - dù có chi phí đi kèm - nhưng cần làm có chọn lọc, không áp dụng đại trà bằng thuế quan.

Việc tăng sản xuất chip bán dẫn là một ví dụ điển hình, không chỉ vì công ăn việc làm mà còn vì lý do an ninh kinh tế và quốc phòng. Ngược lại, điều này không áp dụng cho những sản phẩm giá rẻ.

Theo WSJ

>> Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc tự tin sẽ thắng Mỹ trong thương chiến 2.0?

Ông Hegseth nói Trung Quốc có thể đánh chìm cả hạm đội Mỹ trong 20 phút

Ông Trump 'hối thúc' Trung Quốc liên hệ đàm phán: 'Họ cần người tiêu dùng Mỹ'

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/my-da-danh-mat-vi-the-cuong-quoc-san-xuat-so-1-the-gioi-nhu-the-nao-140539.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ đã đánh mất vị thế cường quốc sản xuất số 1 thế giới như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH