Mỹ đề xuất cắt giảm 6 tỷ USD ngân sách NASA
Nhiều chương trình trọng điểm có nguy cơ bị hủy bỏ trong bối cảnh các cường quốc vũ trụ như Trung Quốc và Nga đang tăng tốc triển khai các kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tới, trong đó đề xuất cắt giảm hơn 6 tỷ USD ngân sách của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo đó, ngân sách đề xuất cho NASA năm 2026 là 18,8 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức cấp năm 2025. Các khoản cắt giảm trải rộng trên nhiều chương trình, trong đó lĩnh vực khoa học bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức giảm gần 2,3 tỷ USD.

Đề xuất ngân sách cũng bao gồm kế hoạch loại bỏ dần tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) do Boeing sản xuất và tàu vũ trụ Orion của Lockheed Martin sau ba chuyến bay. Thay vào đó, NASA được yêu cầu chuyển sang sử dụng các "hệ thống thương mại tiết kiệm chi phí hơn" để thực hiện sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng.
Ngoài ra, đề xuất còn đề cập đến việc cắt giảm nhân sự và hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, đồng thời hạn chế nhiều sáng kiến nghiên cứu khoa học.
Phát biểu về đề xuất này, quyền Giám đốc NASA Janet Petro cho biết: “Đề xuất bao gồm các khoản đầu tư nhằm đồng thời theo đuổi mục tiêu khám phá Mặt Trăng và Sao Hỏa, trong khi vẫn ưu tiên nghiên cứu khoa học và công nghệ then chốt”.
Tuy nhiên, đề xuất cắt giảm ngân sách đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số nhà lập pháp có ảnh hưởng tại Quốc hội Mỹ, đặc biệt là các đại diện bang Texas – nơi đặt trung tâm vũ trụ của NASA. Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Hạ nghị sĩ Brian Babin đều lên tiếng bảo vệ kế hoạch quay trở lại Mặt Trăng với cấu trúc hiện tại, bao gồm tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion. Sự bất đồng này được dự báo có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi ngân sách gay gắt tại Quốc hội.
Ngoài ra, chính quyền cũng đề xuất hủy bỏ dự án Gateway – trạm vũ trụ mới đang được NASA phát triển để hỗ trợ phi hành gia sinh sống và làm việc quanh quỹ đạo Mặt Trăng – cùng với chương trình dài hạn Mars Sample Return, nhằm đưa các mẫu đất từ sao Hỏa về Trái Đất.
Trước đó, vào năm 2024, NASA thừa nhận chương trình Mars Sample Return đã vượt quá ngân sách và bị chậm tiến độ nghiêm trọng, buộc cơ quan này phải tìm kiếm giải pháp thay thế từ khu vực tư nhân.
Những khoản cắt giảm trên nằm trong đề xuất ngân sách được gọi là “ngân sách eo hẹp” từ Nhà Trắng, trong đó bao gồm các yêu cầu tài chính chủ chốt cho từng cơ quan liên bang và cách thức phân bổ nguồn lực.
Một trong những thay đổi đáng chú ý khác là kế hoạch giảm số lượng phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), trong bối cảnh NASA dự kiến sẽ chấm dứt hoạt động của phòng thí nghiệm không gian này vào năm 2030. Theo đề xuất, tần suất các chuyến bay đưa người và hàng hóa lên ISS cũng sẽ giảm mạnh, kéo theo số lượng thí nghiệm khoa học bị thu hẹp. Thay vào đó, các nguồn lực sẽ được tập trung cho những nỗ lực phục vụ chương trình thám hiểm Mặt Trăng và sao Hỏa.
Dù cắt giảm nhiều chương trình, ngân sách đề xuất cũng kêu gọi tăng hơn 7 tỷ USD cho các hoạt động thám hiểm Mặt Trăng, cùng khoản đầu tư mới trị giá 1 tỷ USD dành riêng cho các sứ mệnh thám hiểm Sao Hỏa. Đây được xem là nỗ lực nhằm tiếp tục củng cố chương trình Artemis – sáng kiến đưa con người trở lại bề mặt Mặt Trăng và mở rộng khám phá không gian sâu hơn.
Ông Jared Isaacman – doanh nhân tỷ phú và phi hành gia dân sự, người được Tổng thống Trump đề cử làm Giám đốc NASA – hiện đang chờ Thượng viện bỏ phiếu phê chuẩn. Ông đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc cắt giảm mạnh tay các chương trình khoa học, cho rằng đây không phải là hướng đi "tối ưu" cho NASA. Isaacman khẳng định ông muốn cơ quan này tiếp tục chương trình Artemis đồng thời mở rộng sứ mệnh hướng đến sao Hỏa.
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 5, Nhà Trắng sẽ gửi bản đề xuất ngân sách chi tiết lên Quốc hội. Tài liệu này sẽ cung cấp cái nhìn cụ thể hơn về các thay đổi chính sách liên quan đến NASA, bao gồm việc hủy bỏ các chương trình hiện tại hoặc khởi động sáng kiến mới. Tuy nhiên, các con số phân bổ cuối cùng có thể tiếp tục thay đổi trong quá trình Quốc hội thảo luận và phê duyệt ngân sách liên bang.
Theo Wall Street Journal (WSJ)
Khoang tàu vũ trụ nặng 500kg từ thời Liên Xô sắp rơi tự do xuống Trái Đất
Trung Quốc phát triển công nghệ sản xuất gạch từ Mặt Trăng, chuẩn bị xây căn cứ vũ trụ vào năm 2028