Vượt Mỹ, 2 siêu cường thế giới bắt tay nghiên cứu xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng
Chương trình hợp tác giữa Nga - Trung Quốc được kỳ vọng trở thành tiền đồn nghiên cứu không gian tại cực Nam của Mặt Trăng vào năm 2035, với sự tham gia của hàng chục quốc gia và hàng nghìn nhà khoa học quốc tế.
Trung Quốc đang xem xét kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng nhằm cung cấp năng lượng cho Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS) – dự án hợp tác với Nga. Thông tin này được đưa ra trong bài thuyết trình của một quan chức cấp cao Trung Quốc tại hội nghị không gian tổ chức ở Thượng Hải ngày 23/4, theo hãng tin Reuters.
Theo kế hoạch, ILRS sẽ được phát triển như một trạm nghiên cứu lâu dài, có thể phục vụ các hoạt động khoa học, khai thác tài nguyên và thử nghiệm công nghệ trên bề mặt Mặt Trăng. Nhà máy điện hạt nhân được xem là giải pháp chiến lược để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho trạm này, đặc biệt trong điều kiện khắc nghiệt và chu kỳ ngày đêm dài 14 ngày trên Mặt Trăng, vốn gây nhiều hạn chế cho việc sử dụng năng lượng mặt trời.
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành một cường quốc vũ trụ trong thập kỷ tới. Theo kế hoạch, nước này dự kiến đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030. Trước đó, sứ mệnh Chang’e-8, dự kiến phóng vào năm 2028, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho ILRS. Sứ mệnh này nhằm thử nghiệm các công nghệ xây dựng ngoài Trái Đất, bao gồm in 3D sử dụng vật liệu Mặt Trăng và triển khai các thiết bị cung cấp năng lượng.
Trong bài phát biểu, kỹ sư trưởng sứ mệnh Chang’e-8, ông Pei Zhaoyu, cho biết ngoài năng lượng hạt nhân, ILRS còn có thể sử dụng hệ thống pin mặt trời quy mô lớn kết hợp với các đường ống và cáp để dẫn nhiệt và điện năng trên bề mặt Mặt Trăng.
Năm ngoái, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) từng công bố kế hoạch hợp tác với Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) nhằm xây dựng một lò phản ứng hạt nhân trên Mặt Trăng vào năm 2035, phục vụ cho Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS).
Việc một quan chức ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đưa nội dung liên quan đến nhà máy điện hạt nhân vào bài thuyết trình tại hội nghị có sự tham gia của đại diện 17 quốc gia và tổ chức quốc tế góp mặt trong dự án ILRS được xem là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh ủng hộ kế hoạch này, dù chưa có tuyên bố chính thức.
"Vấn đề then chốt đối với ILRS là nguồn cung cấp năng lượng. Về điểm này, Nga có lợi thế rõ rệt. Khi nói đến công nghệ nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là việc triển khai ngoài không gian, Nga hiện đang dẫn đầu thế giới, thậm chí vượt qua cả Mỹ", ông Wu Weiren – nhà thiết kế trưởng Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc – chia sẻ với Reuters bên lề hội nghị.
Ông Wu cũng bày tỏ kỳ vọng rằng sau những lần đàm phán chưa đạt kết quả rõ rệt trước đây, lần hợp tác này giữa Trung Quốc và Nga có thể hiện thực hóa việc đưa lò phản ứng hạt nhân lên bề mặt Mặt Trăng.
Kế hoạch xây dựng tiền đồn tại cực nam Mặt Trăng của Trung Quốc được đánh giá là bước đi chiến lược, trùng với chương trình Artemis – sáng kiến thám hiểm không gian đầy tham vọng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), với mục tiêu đưa các phi hành gia Mỹ trở lại bề mặt Mặt Trăng vào tháng 12/2025.
Theo ông Wu Weiren, "mô hình cơ bản" của Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế (ILRS), với trung tâm đặt tại cực nam Mặt Trăng, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2035. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu mở rộng hợp tác quốc tế thông qua “Dự án 555” – sáng kiến mời 50 quốc gia, 500 viện nghiên cứu quốc tế và 5.000 nhà khoa học nước ngoài tham gia vào ILRS trong tương lai.
Tại hội nghị Thượng Hải, các nhà nghiên cứu từ Roscosmos đã chia sẻ kế hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản và nước trên Mặt Trăng, bao gồm cả khả năng sử dụng vật liệu tại chỗ làm nhiên liệu cho các sứ mệnh tiếp theo.

Dự án ILRS vốn được hai bên triển khai trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022. Tuy nhiên, theo giới phân tích Trung Quốc, xung đột địa chính trị đã khiến hợp tác giữa Roscosmos và CNSA trở nên khăng khít hơn. Trong bối cảnh bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, Roscosmos gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ và thiết bị vũ trụ.
Trong khi đó, Trung Quốc, với những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ không gian và loạt thành tựu về Mặt Trăng, được cho là đang đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho Nga.
“Trung Quốc có thể giảm áp lực cho Nga và giúp nước này đạt được những đột phá mới trong các lĩnh vực như phóng vệ tinh, thám hiểm Mặt Trăng và xây dựng trạm vũ trụ", nhà nghiên cứu Liu Ying từ Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định trong một bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành năm ngoái.
Tham khảo Reuters
>> Trung Quốc ra mắt ổ cứng nhanh nhất thế giới, hứa hẹn cách mạng hóa công nghệ lưu trữ
Top 5 vũ khí hiện đại của Nga mạnh nhất hiện nay
Trung Quốc gom 1 triệu chip Nvidia: H20 - quân bài chiến lược giữa bão cấm vận