Doanh nghiệp

Mỹ muốn áp thuế 46%, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư khuyến cáo điều quan trọng

Tâm An 08/04/2025 19:49

Sẵn sàng cho kịch bản không thể đàm phán thuế với Mỹ, doanh nghiệp thuỷ sản phải nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm thị trường mới.

Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng ĐBSCL về tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh Mỹ công bố sơ bộ mức thuế nhập khẩu đối ứng với Việt Nam.

Theo Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 10,07 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc là các thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Quý I năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngày 3/4, Mỹ công bố sơ bộ mức thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế 46%. Mức thuế này dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất ngành hàng thuỷ sản Việt Nam.

W-thuy san.png
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của thuỷ sản Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Theo Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, trong thời gian Chính phủ hai nước đàm phán nhằm sớm đạt thoả thuận về thuế, người dân và doanh nghiệp thuỷ sản cần tránh tâm lý lo sợ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt thuỷ sản nuôi hoặc hạn chế sản xuất, xuống giống... làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Để chủ động cho kịch bản xấu nhất, chuẩn bị phương án chuyển hướng tích cực, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan bám sát địa bàn sản xuất.

Cùng với đó, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật quản lý tốt thủy sản hiện đang nuôi, thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin thị trường đến người dân và doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất.

Hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tối ưu hoá chuỗi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng triệt để các biện pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản xuất, quan tâm xây dựng thương hiệu, đảm bảo kiểm soát và truy xuất nguồn gốc, tránh bị Mỹ áp gian lận nguồn gốc hàng hóa và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

“Sẵn sàng cho kịch bản không thể đàm phán, nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm thị trường mới”, Cục Thuỷ sản và Ngư nghiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tăng sản lượng thu mua và tạm trữ nguyên liệu trong thời gian thị trường xuất khẩu vào Mỹ chưa được đàm phán mức áp thuế phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh giao hàng trong 1-3 tháng tới.

Chú trọng phát triển các sản phẩm phù hợp, hỗ trợ, tổ chức cho các doanh nghiệp chế biến, người dân nuôi trồng thuỷ sản liên kết với chuỗi các hệ thống siêu thị, các khách sạn, nhà hàng để tăng cường tiêu thụ nội địa.

Các sở ngành kịp thời thông tin về tình hình sản xuất, giải pháp hạn chế tác động xấu khi Mỹ áp thuế đối ứng đối với ngành hàng thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam để kịp thời phối hợp với Cục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo sản xuất.

>> Ứng phó thuế Mỹ: Thủ tướng chỉ đạo 'kích hoạt' hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2025: Tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất, đóng góp hơn 542 triệu USD

Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, nhưng...

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/my-muon-ap-thue-46-cuc-thuy-san-va-kiem-ngu-khuyen-cao-dieu-quan-trong-2389088.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ muốn áp thuế 46%, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư khuyến cáo điều quan trọng
    POWERED BY ONECMS & INTECH