Mỹ nói kinh tế Nga mất đà tăng trưởng do xung đột Ukraine
Gần 2 năm kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nền kinh tế nước này đã và đang phải chịu nhiều áp lực.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ được Financial Times trích dẫn hôm 14/12, nếu không có cuộc chiến Ukraine, tăng trưởng GDP của Nga có thể đã lớn hơn 5%.
Rachel Lyngaas, chuyên gia kinh tế về các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, chính sách của Moscow và các lệnh trừng phạt từ Mỹ cùng các đồng minh đã khiến “nền kinh tế của nước này chịu áp lực đáng kể”.
Nga đã bị áp đặt danh sách dài các lệnh trừng phạt bổ sung từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khiến nước này trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Ngay cả dưới áp lực kinh tế mạnh mẽ, Nga vẫn cam kết chi một khoản tiền lớn cho quốc phòng - khoảng 6% GDP vào năm 2024, so với 3,9% vào năm 2023. Để so sánh, Anh đã chi 2,2% GDP cho chi tiêu quân sự vào năm 2022, trong khi Mỹ chi 3,5%.
Những lo ngại khác được Bộ Tài chính Mỹ nêu bật bao gồm lạm phát gần gấp đôi tỷ lệ mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương và tỷ lệ di cư cao kỷ lục. Chuyên gia Rachel Lyngaas nhận định nền kinh tế Nga cũng đang tụt hậu so với các nước xuất khẩu năng lượng khác, bao gồm cả Mỹ.
Nhiều người hoài nghi về việc liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá trần đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ có mang lại tác động như mong muốn hay không.
Theo đó, mức trần 60 USD/thùng do Úc, Mỹ và các quốc gia G7 khác thiết kế đã được áp dụng vào tháng 12 năm ngoái với mục tiêu giảm doanh thu của Nga, buộc quốc gia này phải bán với mức chiết khấu cao.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các nhà sản xuất dầu khí chứng kiến thu nhập giảm 41%, dẫn đến khối lượng xuất khẩu thấp hơn dự kiến ban đầu.
EU cho biết các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và ngân sách của Nga về lâu dài. Họ cũng dự báo mức tăng trưởng GDP của Nga sẽ giảm trong năm nay do ảnh hưởng của chiến tranh.
Nhưng trong thời gian gần đây, Nga đã tìm ra cách để tránh giới hạn giá và đã tính phí cao hơn nhiều so với mức chuẩn 60 USD khi giá dầu tăng.
Ông Putin cũng có động thái cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel để duy trì lượng tồn kho ở mức cao, cung cấp cho người tiêu dùng ở Nga khi cuộc chiến với Ukraine vẫn tiếp diễn.
Về phần mình, chính quyền Nga lập luận rằng nền kinh tế vẫn mạnh mẽ bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế và gánh nặng tài chính bổ sung từ chiến tranh.
Theo cơ quan thống kê nhà nước Rosstat, trong quý 3, GDP của Nga đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa nước này trên đà phục hồi sau mức giảm 2,2% GDP năm 2022.
Tổng thống Putin gần đây hoan nghênh Nga vẫn đứng vững dù bị phương Tây cô lập. Lãnh đạo Nga cho rằng các lệnh trừng phạt với quy mô chưa từng có mà phương Tây áp đặt với Nga là "cuộc tấn công dữ dội", nhưng không thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế nước này.
>> Ông Putin nói kinh tế Nga không hề hấn trước loạt trừng phạt của phương Tây