Mỹ phải nhập khẩu cả quả trứng: Cơ hội vàng cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á?
Indonesia đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới trong bối cảnh tình trạng "lạm phát trứng" đang ảnh hưởng đến Mỹ, khi Jakarta nhận thấy tình trạng thiếu hụt trứng đã mở ra cơ hội xuất khẩu.
Một đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 đã gây ra tình trạng thiếu trứng và giá cả tăng vọt tại Mỹ. Theo các báo cáo truyền thông, giá bán lẻ trứng trung bình khoảng 6 USD (hơn 153.000 đồng) cho mỗi tá (12 quả), gần gấp đôi so với một năm trước.
Ông Agung Suganda, một quan chức cấp cao tại Bộ Nông nghiệp Indonesia, cho biết nước này có thể cung cấp trứng cho Mỹ, nơi trứng được xem là thực phẩm thiết yếu trong bữa sáng của nhiều người dân.
>> Trứng Hàn Quốc 'cứu nguy' nước Mỹ: Vì sao siêu cường số 1 thế giới phải nhập khẩu cả quả trứng?

Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu 1,6 triệu quả trứng mỗi tháng sang Mỹ. Hiện nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang nỗ lực thuyết phục Mỹ rằng trứng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu. Các nỗ lực cũng đang được triển khai để hoàn thiện những quy trình xuất khẩu.
“Trứng mà chúng tôi xuất khẩu phải có chất lượng cao và không nhiễm khuẩn salmonella. Chúng tôi phải đảm bảo rằng trứng không chứa dư lượng kháng sinh để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đặt ra”, ông Agung phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước (28/3).
Theo ước tính của Chính phủ Indonesia, các trang trại trên toàn quốc có thể sản xuất tới 6,5 triệu tấn trứng trong năm nay, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng 6,2 triệu tấn, tạo ra dư thừa 288.700 tấn. Ông Agung cam kết rằng Chính phủ ở “xứ sở vạn đảo” sẽ ưu tiên nhu cầu trong nước trước khi thực hiện các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ nếu thỏa thuận thành công.
“Chúng tôi sẽ xuất khẩu trứng mà không làm gián đoạn nguồn cung trong nước và đảm bảo ổn định giá cả”, ông Agung khẳng định.
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Indonesia (GPPU) bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch xuất khẩu này. Tuy nhiên, Chủ tịch GPPU, ông Achmad Dawami, thừa nhận rằng việc xuất khẩu sang Mỹ không hề dễ dàng do những yêu cầu khắt khe.
“Dĩ nhiên là có cơ hội. Nhưng xuất khẩu (trứng) là điều nói dễ hơn làm. Chúng tôi phải đáp ứng nhiều điều kiện”, ông Dawami chia sẻ.
Theo số liệu chính thức, thương mại giữa Indonesia và Mỹ đã tăng mạnh từ 34,5 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 38,3 tỷ USD vào năm 2024, mang lại thặng dư 14,3 tỷ USD cho Indonesia trong năm 2024. Jakarta đang có dấu hiệu duy trì xu hướng tích cực này khi thương mại song phương đạt 3,3 tỷ USD vào tháng 1 năm 2025, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dù có kết quả thương mại ấn tượng, Indonesia vẫn đối mặt với nguy cơ bị áp thuế khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách giải quyết thâm hụt thương mại của Washington. Thâm hụt thương mại có nghĩa là Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu sang Indonesia.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani, gần đây đã cảnh báo rằng Indonesia có thể trở thành mục tiêu áp thuế của ông Trump trong tương lai, do nước này là nguồn gốc thâm hụt thương mại lớn thứ 15 của Mỹ.
Theo Jakarta Globe