Mỹ suy thoái?

29-05-2023 18:33|Thủy Tiên

Thỏa thuận tránh vỡ nợ sẽ là một thách thức đối với kinh tế Mỹ vốn đã chịu sức ép từ lãi suất cao và khả năng tiếp cận tín dụng giảm.

Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ công vào cuối tuần trước.

Giờ đây, quốc hội cần phải thông qua thỏa thuận này trước khi Bộ Tài chính rơi vào cảnh cạn tiền để chi trả cho các nghĩa vụ của mình, nhằm ngăn chặn một vụ vỡ nợ gây bất ổn về kinh tế.

Thế nhưng, thỏa thuận này có thể sẽ càng đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến gần hơn tới suy thoái, theo Bloomberg.

Những thông tin ban đầu cho thấy thỏa thuận sẽ bao gồm việc nâng giới hạn nợ trong 2 năm, đồng thời hạn chế chi tiêu trong thời gian đó. Điều này sẽ là một thách thức đối với kinh tế Mỹ vốn đã chịu sức ép từ lãi suất cao và khả năng tiếp cận tín dụng giảm.

Trong vài quý gần đây, chi tiêu của chính phủ Mỹ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức như hoạt động xây dựng nhà ở lao dốc.

Thế nên, thỏa thuận về trần nợ có thể ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng này. Hai tuần trước khi thỏa thuận được đạt được, các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg đã tính toán rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái vào năm sau là 65%.

Áp lực lạm phát gia tăng

Đối với Cục Dự trữ liên bang (Fed), chính phủ hạn chế chi tiêu đồng nghĩa với việc cơ quan này phải cân nhắc khi đánh giá tăng trưởng và điều chỉnh lãi suất.

"Thỏa thuận này sẽ làm thắt chặt thêm chính sách tài khóa, trong bối cảnh chính sách tiền tệ cũng đã thắt chặt trong thời gian qua, qua đó tạo ra tác động cộng hưởng”, theo Diane Swonk, chuyên gia kinh tế tại KPMG.

Việc giới hạn chi tiêu của chính phủ được dự báo sẽ bắt đầu áp dụng từ tài khóa mới (tức ngày 1/10). Tuy nhiên, các tác động nhỏ của việc này có thể sẽ xuất hiện trước thời điểm đó, chẳng hạn như việc giảm hỗ trợ Covid-19 hay vay đóng học phí. Những khoản chi này khó thể hiện trong số liệu GDP.

Mỹ suy thoái?
Đóng góp của Chính phủ Liên bang vào GDP của Hoa Kỳ trong những quý gần đây.

Dù vậy, giới hạn chi tiêu trong tài khóa mới có thể sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ vào đúng thời điểm thực thi, vì vậy khả năng tăng trưởng của GDP quý 3 và 4 của Mỹ có thể giảm 0,5%, theo khảo sát của Bloomberg.

Theo Michael Feroli, chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase, “nếu kinh tế Mỹ chậm lại, việc giảm chi tiêu tài khóa có thể ảnh hưởng lớn đến GDP và thị trường việc làm”.

Khi kinh tế Mỹ giảm tốc, chính sách tài khóa có thể được sử dụng để hỗ trợ chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Hiện lạm phát Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục dự trữ liên bang (Fed).

Theo Jack Ablin - Giám đốc Đầu tư tại Cresset Capital Management, “điều này là một diễn biến quan trọng, vì sau gần một thập kỷ, chính sách tài khóa và tiền tệ mới đi cùng một hướng. Do đó, thắt chặt chính sách tài khóa có thể là yếu tố gây thêm áp lực lên lạm phát”.

Cạn kiệt thanh khoản trong thị trường tài chính

Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã nâng lãi suất tới 10 lần kể từ tháng 3/2022, tổng cộng lên đến 5%. Dù vậy, kinh tế Mỹ vẫn khá ổn định và chưa rơi vào suy thoái như những nhà phân tích đang lo ngại.

Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm, chỉ với 3,4%. Nhu cầu tuyển dụng cũng ở mức cao kỷ lục. Báo cáo việc làm tháng 5 sẽ được công bố vào sáng ngày 2/6. Theo ước tính ban đầu của các nhà kinh tế, Mỹ có thêm 180.000 việc làm trong tháng 5 và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 3,5%.

Sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng cũng có nhiều tiền tiết kiệm hơn. Thế nhưng, lượng tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2017, giảm xuống còn 38,8 tỷ USD theo số liệu công bố hôm 26/5. Khi không còn phải đau đầu về vấn đề trần nợ, Bộ Tài chính cũng sẽ tăng tốc phát hành trái phiếu để làm đầy lại ngân sách.

Làn sóng trái phiếu hiện tại có thể gây ra tình trạng cạn kiệt thanh khoản trong thị trường tài chính. Dù vậy, tác động chính xác của nó hiện rất khó để đo đếm. Thậm chí, quan chức tài chính Mỹ cũng có thể phát hành các trái phiếu quy mô nhỏ hơn để giảm thiểu tác động biến động.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, việc thắt chặt chính sách tài khóa sẽ ảnh hưởng đến nợ công của Mỹ. Tuần trước, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã yêu cầu Mỹ siết chặt ngân sách cơ bản (không bao gồm tiền trả lãi), tương đương với 5% GDP "để giúp giảm nợ công ổn định trong những năm cuối thập kỷ này”.

Vì vậy, việc giữ nguyên mức chi tiêu vào năm 2023 sẽ khiến cho chính phủ Mỹ khó có thể đáp ứng được yêu cầu thắt chặt tài khóa của IMF. Tuy nhiên, việc giữ chi tiêu ở mức năm 2023 có thể sẽ giảm thêm chút thâm hụt ngân sách và giảm rủi ro cho nền kinh tế Mỹ.

Có gì trong thoả thuận sơ bộ về nâng trần nợ công tại Mỹ?

Mỹ đạt thỏa thuận nâng trần nợ, giảm nguy cơ vỡ nợ quốc gia

Vì sao hai quốc gia châu Á này không muốn Mỹ vỡ nợ?

Bài thuộc chủ đề Mỹ vỡ nợ?
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/my-suy-thoai-185279.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Mỹ suy thoái?
POWERED BY ONECMS & INTECH