Mỹ tăng mua, Trung Đông cũng tích cực gom hàng: Doanh thu một loại thực phẩm đóng hộp của Việt Nam lập đỉnh lịch sử
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, sản phẩm này của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 80 quốc gia.
Bất chấp nhiều thách thức trong nửa cuối năm, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam năm 2024 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 299 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên ngành cá ngừ đóng hộp chạm mốc doanh thu này, bất chấp những khó khăn về nguồn nguyên liệu và sức mua toàn cầu chưa thực sự phục hồi.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 80 quốc gia, với Mỹ, Israel, Đức, Libăng và Ai Cập là năm thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm hơn 62% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang Mỹ - thị trường lớn nhất - tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam hiện là nhà cung cấp cá ngừ đóng hộp lớn thứ hai cho Mỹ, chiếm hơn 16% tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này. Ở khu vực Trung Đông, xuất khẩu sang Israel và Libăng cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 43% và 155% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường EU, mặc dù xuất khẩu cá ngừ đóng hộp năm 2024 tăng 4%, nhưng tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại trong nửa cuối năm. Điều này đặt ra bài toán về chiến lược xuất khẩu bền vững trong tương lai.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 80 quốc gia. Ảnh minh hoạ |
>> Trung Quốc 'bá chủ' với bộ ba sản phẩm mới, phương Tây phản ứng ra sao?
Hiện nay, Việt Nam có hơn 140 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ đóng hộp, trong đó nổi bật là năm công ty lớn: Tuna Vietnam, Mariso Vietnam, Yueh Chyang Canned Food, AHFISHCO và Highland Dragon. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các nguồn cung đang ngày càng gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm lợi thế từ chính sách thuế quan và nguồn nguyên liệu ổn định.
Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, để được hưởng ưu đãi thuế quan, sản phẩm cá ngừ đóng hộp phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ thuần túy. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do tác động của Nghị định số 37/2024, quy định kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn khai thác là 50cm, gây thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp và ngư dân hiện đang mong chờ chính sách này được điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất và xuất khẩu.
Việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam. Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% đối với Trung Quốc và 10-20% đối với các quốc gia khác, xuất khẩu cá ngừ có thể biến động mạnh. Trước khi mức thuế có hiệu lực, nhiều nhà nhập khẩu có thể đẩy mạnh đặt hàng để tích trữ, khiến sản lượng xuất khẩu cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, tăng đột biến. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển được dự báo cũng sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, tận dụng tốt ưu đãi thuế quan và theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế sẽ là những yếu tố quyết định sự tăng trưởng bền vững của ngành trong thời gian tới.
>> Doanh nghiệp Việt biến vỏ ốc thành vàng, chinh phục hàng loạt ông lớn Gucci, Dior, Burberry