Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay: 85% dân số có nguy cơ biến mất, Chính phủ nỗ lực giải cứu trong vô vọng
Sự chuyển dịch nhân khẩu học mạnh mẽ tại Hàn Quốc được cho là sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trong số đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí phúc lợi ngày càng tăng.
Một báo cáo mới đây dự báo rằng dân số Hàn Quốc có thể giảm xuống chỉ còn 7,53 triệu người - tương đương khoảng 15% quy mô hiện tại trong vòng một thế kỷ tới. Báo cáo cho thấy, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, dân số Hàn Quốc vẫn sẽ giảm từ 51,68 triệu người hiện nay xuống còn 15,73 triệu vào năm 2125 - chưa tới một phần ba quy mô hiện tại.
Dự báo này được xây dựng dựa trên một phương pháp phổ biến trên thế giới, gọi là phương pháp "theo nhóm tuổi". Phương pháp này xem xét ba yếu tố chính ảnh hưởng đến dân số: Số trẻ em được sinh ra, số người qua đời và số người di cư ra vào đất nước. Báo cáo cho thấy dân số Hàn Quốc đang giảm với tốc độ rất nhanh, đến mức đáng lo ngại.
Theo kịch bản trung bình, tỷ suất sinh - tức số con trung bình mà một phụ nữ có thể sinh trong suốt đời - sẽ bám sát dự báo chính thức của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc đến năm 2072, sau đó giữ ổn định ở ba mức giả định: 0,82 (thấp), 1,08 (trung bình) và 1,34 (cao). Năm ngoái, tỷ suất sinh tại Hàn Quốc chỉ đạt 0,75 - mức thấp nhất thế giới.

Theo kịch bản trung bình, dân số Hàn Quốc có thể giảm xuống còn 33,6 triệu người vào năm 2070 - tương đương với tổng số dân hiện tại của bốn thành phố lớn nhất nước là Seoul, Busan, Incheon và Daegu cộng lại.
“Nhưng cú sốc thực sự sẽ đến sau đó, khi tốc độ suy giảm dân số tăng nhanh hơn”, báo cáo nhận định. “Đến năm 2100, dân số sẽ giảm xuống dưới một nửa so với hiện nay. Trong trường hợp xấu nhất, dân số Hàn Quốc vào năm 2100 có thể chỉ còn khoảng 14,66 triệu người; nếu tình hình khá hơn, con số này sẽ là 17,87 triệu; và trong kịch bản lạc quan nhất, dân số vẫn chỉ đạt khoảng 21,65 triệu người — tương đương tổng dân số hiện nay của thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi cộng lại.
Cùng lúc đó, tỷ lệ người cao tuổi tại Hàn Quốc được dự đoán sẽ tăng từ 20,3% hiện nay lên 40,1% vào năm 2050 và đạt mức 47,7% vào năm 2072. Điều này sẽ đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới.
Sự chuyển dịch nhân khẩu học mạnh mẽ này được cho là sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trong số đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí phúc lợi ngày càng tăng.
Hiện tại, cứ 100 người trong độ tuổi lao động (15–64) đang phải hỗ trợ khoảng 30 người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên). Nhưng theo báo cáo, ngay cả trong kịch bản tích cực nhất, đến năm 2085, 100 người trong độ tuổi lao động sẽ phải gánh vác chi phí sinh hoạt cho 108 người cao tuổi.
Để đảo ngược xu hướng này, nhóm nghiên cứu đề xuất các chính sách như tăng cường hỗ trợ nuôi dạy trẻ, kéo dài tuổi nghỉ hưu hợp pháp, và cải cách chính sách nhập cư để thu hút nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia trẻ tuổi.
“Những quyết định chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của đất nước – nơi con cháu chúng ta sẽ sống. Trước làn sóng biến đổi dân số quá lớn, chúng ta sẽ để mình bị cuốn đi hay sẽ chủ động ứng phó một cách thông minh? Bây giờ chính là lúc phải lựa chọn”, báo cáo nhấn mạnh.
Thực tế, trong suốt 20 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực giải quyết tình trạng suy giảm dân số, chi hơn 320 tỷ USD kể từ năm 2005 để thúc đẩy tỷ lệ sinh, tuy nhiên tình hình vẫn chưa cải thiện.
Một số chuyên gia nhận định rằng phần lớn các biện pháp đang tập trung vào hỗ trợ ngắn hạn, như trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp, mà chưa giải quyết được các nguyên nhân cốt lõi, bao gồm thu nhập không ổn định và chi phí nuôi dạy con cao.
Tham khảo Korea Times
>> Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, đến ăn tối cũng phải cân nhắc