Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Philippines ám chỉ sẽ nới lỏng hơn nữa bất chấp lạm phát.
Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) đã quyết định cắt giảm lãi suất chính sách chủ chốt 0,25% trong cuộc họp chính sách vào ngày 15/8, khởi động chu kỳ nới lỏng được mong đợi từ lâu để hỗ trợ nền kinh tế.
Việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020 diễn ra trong bối cảnh kỳ vọng của thị trường đang chia rẽ sâu sắc.
Theo cuộc thăm dò của Reuters đầu tuần này, 13 trong số 24 nhà kinh tế dự đoán ngân hàng sẽ giữ nguyên lãi suất, trong khi số còn lại kỳ vọng sẽ lãi suất sẽ giảm.
Đồng peso không có nhiều biến động lớn sau khi thông báo cắt giảm lãi suất được công bố.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Eli Remolona dự kiến sẽ có thêm một đợt cắt giảm 0,25% nữa vào tháng 10 hoặc tháng 12. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng lần hạ lãi suất mới đây có thể phải đến năm sau mới có tác động vì " độ trễ dài trong cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ”.
Ông cho hay: "Vì vậy, quyết định mà chúng tôi đưa ra hôm nay chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến năm 2025".
Việc giảm lãi suất cũng diễn ra trong bối cảnh lạm phát vẫn tăng cao. Lạm phát của quốc gia này đã tăng nhanh lên 4,4% vào tháng 7 từ mức 3,7% vào tháng 6.
Mặc dù vậy, BSP cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu có xu hướng giảm trong nửa cuối năm, dự báo lạm phát sẽ ổn định ở mức 3,3% vào năm 2024 và 2,9% vào năm tới.
GDP Philippines tăng 6,3% trong quý II/2024, vượt kỳ vọng của thị trường và cao hơn mức tăng 5,8% trong quý đầu năm. Vào năm 2023, Philippines đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á nhờ mức tăng 5,6%.
Tuy nhiên, bất chấp tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Xã hội Arsenio Balisacan nói rằng chi tiêu hộ gia đình trong giai đoạn này còn khá ảm đạm trong khi lãi suất cao đã kìm hãm một số động lực tăng trưởng.
Lần cuối cùng BSP cắt giảm lãi suất là 4 năm trước, khi đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Philippines đình trệ và kìm hãm tiêu dùng.
Theo Nikkei Asia