Thế giới

Nền kinh tế ‘tổn thương’, chứng khoán có thể lao dốc hơn 30%: Siêu cường số một thế giới đã bị ‘lung lay’?

Bạch Linh 12/07/2024 13:58

Hạ cánh cứng, hạ cánh mềm, đình lạm...thị trường đang vẽ ra hàng loạt kịch bản cho kinh tế Mỹ. Nền kinh tế vốn mạnh nhất thế giới nhưng lại xuất hiện nhiều “rạn nứt” trong thời gian gần đây.

Lãi suất cao càng kéo dài, “nguy hiểm” càng lớn?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm trong khoảng hơn một năm nay, với phạm vi lãi suất chuẩn đang ở mức 5,25%-5,5%.

Nền kinh tế ‘tổn thương’, chứng khoán có thể lao dốc hơn 30%, siêu cường số một thế giới đã bị ‘lung lay’? - ảnh 1
Lãi suất hiệu lực của Mỹ từ tháng 7/1960-6/2024

Tuy nhiên, Kinh tế trưởng Mark Zandi của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cho rằng Fed càng duy trì chính sách lãi suất cao càng lâu thì nguy cơ kinh tế Mỹ tổn thương càng nhiều. Ông chỉ ra: “Chúng tôi bắt đầu thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ người lao động bị sa thải cao hơn trong bối cảnh thị trường việc làm suy yếu. Đó là mối lo ngại ngày càng lớn”.

Có thể thấy, báo cáo tháng 6 chỉ ra thị trường lao động vẫn ổn nhưng sự “rạn nứt” đã hình thành. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện là 4,1%. Đây vẫn là mức thấp lịch sử nhưng nó đã tăng 3 tháng liên tiếp. “Đó có thể là dấu hiệu chứng minh thị trường lao động đang dịch chuyển”, một số chuyên gia kinh tế của KPMG nhận xét.

Nền kinh tế ‘tổn thương’, chứng khoán có thể lao dốc hơn 30%, siêu cường số một thế giới đã bị ‘lung lay’? - ảnh 2
Số việc làm mới hàng tháng tại Mỹ, từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2024 (trái). Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2024 (phải)

Tốc độ tuyển dụng đã chậm lại trong ngành giải trí và khách sạn. Đây vốn là 2 lĩnh vực quan trọng được hỗ trợ bởi chi tiêu của người tiêu dùng.

Đối với ngành dịch vụ, nhiều tín hiệu không khả quan cũng đã nhấp nháy. Theo cuộc khảo sát mới của Viện Quản lý cung ứng (ISM), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành dịch vụ ở Mỹ đã giảm mạnh xuống 48,8 điểm trong tháng 6, trong khi tháng 5 vẫn ở mức 53,8 điểm. Chỉ số này cũng lao dốc xuống vùng suy giảm (dưới 50 điểm) trong tháng 4 sau chuỗi 15 tháng tăng trưởng liên tiếp.

Chưa hết, chỉ số đơn hàng mới của ngành dịch vụ còn từ 54,1 điểm trong tháng 5 rớt còn 47,3 điểm trong tháng 6. Đáng chú ý, nếu kéo dài, đà giảm có thể khiến các doanh nghiệp ngành dịch vụ ít tuyển dụng và tiến hành sa thải.

Chuyên gia kinh tế quốc tế của ngân hàng ING, James Knightley cũng nhấn mạnh rằng, sức chi tiêu của người dân ở lĩnh vực dịch vụ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế Mỹ nhưng họ bắt đầu thấy xuất hiện căng thẳng tài chính ở nhiều hộ gia đình.

Lãi suất cao, tiền tiết kiệm cạn kiệt và nợ nần cũng ngày một nhiều, người Mỹ thực sự đang chịu áp lực. Chi tiêu của người tiêu dùng - chiếm 70% nền kinh tế - đã thực sự chậm lại trong vài tháng trở lại đây.

Và chính Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho rằng Fed hiện đang lo ngại thị trường việc làm và nền kinh tế có thể suy yếu nếu lãi suất vẫn duy trì ở mức quá cao trong thời gian quá dài.

Thị trường chứng khoán

Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs vừa dự báo các chỉ số chứng khoán Mỹ sẽ “chững” lại trong thời gian tới. Nguyên nhân là do thu nhập chậm lại cùng tâm lý lo lắng đối với chính trường Mỹ và quốc tế.

Tính đến nay, xu hướng bùng nổ nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ (TTCK Mỹ) là sự thống trị của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại, 5 cổ phiếu liên quan tới AI đã chiếm một nửa tổng lợi nhuận của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm.

Nhưng đà tăng phi mã của nhà sản xuất chip Nvidia thời gian qua cũng làm gia tăng cuộc tranh luận về việc liệu TTCK Mỹ có đang bùng nổ bởi sự cường điệu, mang tính đầu cơ xung quanh AI hay không?.

Ước tính 60% cổ phiếu trong S&P 500 đã tăng giá trong năm nay nhưng hơn 50% số cổ phiếu thuộc AI Winners Basket - rổ cổ phiếu được kỳ vọng chiến thắng nhờ AI của Citi đã giảm. Hơn 3/4 số cổ phiếu trong đó tăng trưởng trong năm 2023.

Mặc dù một số chuyên gia cho rằng, sự thay đổi giá của các cổ phiếu AI là “tín hiệu” chứng minh thị trường đang quay về mức định giá hợp lý nhưng Rob Arnott, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Research Affiliates lại cho rằng đà tăng giá cổ phiếu AI là một “bong bóng điển hình”.

Thị trường cũng chứng kiến hiện tượng lạ, khi đà tăng giá mạnh mẽ của một số cổ phiếu công nghệ đang vượt xa lợi nhuận thực tế và có thể khiến chỉ số S&P 500 “tổn thương” đáng kể. Kinh tế trưởng Torsten Sløk của Apollo Global Management cho biết, 10 công ty hàng đầu thuộc S&P 500 đang chiếm khoảng 35% giá trị vốn hóa thị trường nhưng chỉ đóng góp 23% lợi nhuận. Đáng chú ý, sự chênh lệch chưa bao giờ lớn đến thế.

“Điều này chỉ ra thị trường đang đặt cược lớn vào tương lai của 10 công ty hàng đầu. Vấn đề đối với S&P 500 hiện tại không chỉ nằm ở việc tập trung vào một nhóm nhỏ các công ty mà còn là tâm lý lạc quan quá lớn về khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai của những công ty này”, ông nói.

Thời gian trước, Nvidia đã tạo nên kỳ tích khi kết phiên ngày 5/6, cổ phiếu hãng chip đã lên mức 1.224 USD/cp, đưa vốn hóa vượt Apple và đạt hơn 3.000 tỷ USD. Trước khi bị bán tháo hồi đầu tháng, Nvidia đóng góp hơn 1/3 mức tăng của S&P 500 trong năm nay. Nghĩa là, “nếu hãng chip tiếp tục phát triển thì kịch bản sẽ vẫn tốt nhưng nếu nó giảm, S&P 500 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Torsten nhận định.

Nền kinh tế ‘tổn thương’, chứng khoán có thể lao dốc hơn 30%, siêu cường số một thế giới đã bị ‘lung lay’? - ảnh 3
Kết phiên 5/6, Nvidia ghi nhận vốn hóa 3.019 tỷ USD, còn Apple đạt 2.990 tỷ USD

Chưa hết, trong một báo cáo gần đây, chiến lược gia toàn cầu Peter Berezin của BCA Research cũng dự báo kinh tế Mỹ sẽ xảy ra suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 - khiến chỉ số S&P 500 giảm xuống còn 3.750 điểm trong năm 2025 - cú sụt đáng kể hơn 30% so với hiện tại.

Có thể thấy, kinh tế Mỹ đã kiên cường chống đỡ trong những năm qua, tuy nhiên siêu cường số một thế giới cũng đã xuất hiện “rạn nứt”. Hiện tại, thị trường đang đánh cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới và có thể mang đến nhiều tín hiệu tích cực hơn.

Tổng hợp

>> Lạm phát bất ngờ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020 khiến Fed có khả năng sắp cắt giảm lãi suất?

Mỹ quyết dồn toàn lực để tái cấu trúc chuỗi cung ứng ngành chip, Việt Nam là một 'mắt xích' quan trọng

Lạm phát bất ngờ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020 khiến Fed có khả năng sắp cắt giảm lãi suất?

Theo Kinh tế Đô Thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-ton-thuong-chung-khoan-co-the-lao-doc-hon-30-sieu-cuong-so-mot-the-gioi-da-bi-lung-lay-124048.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nền kinh tế ‘tổn thương’, chứng khoán có thể lao dốc hơn 30%: Siêu cường số một thế giới đã bị ‘lung lay’?
POWERED BY ONECMS & INTECH