Nếu chính phủ Mỹ không thể tiếp tục vay tiền để trả nợ, các doanh nghiệp có thể phá sản, thị trường tài chính sụp đổ, vết thương kinh tế lở loét.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể vỡ nợ?
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã tiết lộ rằng, theo ước tính chính xác nhất của cơ quan này, Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6.
Trong khi đó, suốt nhiều tuần qua, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn bất đồng về việc nới trần nợ công của chính phủ liên bang Mỹ, hiện ở mức 31.400 tỷ USD.
Nước này đã đạt đến trần cho vay theo luật định vào tháng 1. Kể từ đó đến nay, Bộ Tài chính Mỹ phải sử dụng các biện pháp kế toán đặc biệt để bơm tiền mặt.
Khoảng 60% nhà đầu tư được hỏi trong khảo sát MLIV Pulse nhận định rủi ro vỡ nợ của Chính phủ Mỹ hiện lớn hơn so với năm 2011 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng trần nợ tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ.
“Rủi ro đang ở mức cao chưa từng thấy, trong bối cảnh cử tri và nội bộ Quốc hội Mỹ có sự chia rẽ sâu sắc”, Jason Bloom, giám đốc tại Invesco. Nhận xét. “Cái cách hai bên tham gia vào vấn đề cho thấy họ có thể sẽ không hành động kịp thời cùng nhau”.
Nguồn: Bloomberg |
MLIV Pulse là một cuộc khảo sát hàng tuần với độc giả của Bloomberg News trên thiết bị đầu cuối và trực tuyến, được thực hiện bởi nhóm Markets Live của Bloomberg.
Khảo sát tuần này được thực hiện với 637 nhà đầu tư trên toàn cầu, bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhỏ lẻ, tập trung tại các thị trường mới nổi.
Viễn cảnh "u ám" đến đáng sợ...
Theo bà Yellen, nếu Mỹ vỡ nợ, toàn bộ thành quả mà nước này đạt được trong những năm qua trong quá trình phục hồi từ đại dịch sẽ bị đe dọa. Không dừng lại ở đó, sự kiện này sẽ không chỉ kéo tụt nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một vụ vỡ nợ sẽ làm lung lay vị thế lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu của Mỹ và châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu. Còn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, việc Mỹ vỡ nợ có thể đẩy lãi suất của những khoản vay mua xe, thế chấp và thẻ tín dụng lên cao.
Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, chưa cần nói đến việc Mỹ thực sự vỡ nợ, vấn đề này nguy hiểm ngay từ khi mới chỉ là nguy cơ.
"Đừng nên tin rằng Fed có thể cứu nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của nước Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện này gây ra", ông Powell nhấn mạnh.
Việc nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ có lẽ là điều không tưởng, nhưng là điều hoàn toàn có thể nghĩ đến ở thời điểm hiện tại.
Kinh tế sẽ chao đảo, thị trường chứng khoán lao đao
"Chúng ta đã có được những bài học về trần nợ trong quá khứ. Việc đợi đến phút chót để dừng hoặc tăng giới hạn nợ có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng lãi vay ngắn hạn đối với người dân, và tác động tiêu cực lên xếp hạng tín nhiệm của Mỹ", bà Yellen lập luận.
Theo bà, trên thực tế, chi phí đi vay của Bộ Tài chính đối với các chứng khoán đáo hạn vào đầu tháng 6 đã gia tăng đáng kể.
Mỹ từng suýt vỡ nợ vào năm 2011. Kết quả là nước này đã mất xếp hạng tín nhiệm AAA. Các CEO nhấn mạnh rằng nền kinh tế và thị trường nước này đều chao đảo vào thời điểm đó.
"Thị trường chứng khoán đã mất 17% giá trị trong hơn một năm. Theo báo cáo của Moody’s, tình trạng bất ổn đã thổi bay 1,2 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,7 điểm phần trăm, nền kinh tế thu hẹp 180 tỷ USD so với kịch bản không có nguy cơ vỡ nợ", các CEO nhấn mạnh.
Việc Mỹ vỡ nợ cũng sẽ ảnh hưởng đến các chương trình an sinh xã hội như Social Security (An Sinh Xã Hội), Medicare, trợ cấp dành cho cựu chiến binh và tiền lương của quân đội Mỹ.
Một số cơ quan chính phủ chưa được phê duyệt chi tiêu có thể phải cho người lao động nghỉ phép. Nhân viên chính phủ thiết yếu sẽ làm việc không lương.
Hơn nữa, vị thế lãnh đạo toàn cầu và khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. "Điều này không được phép xảy ra", bức thư nhấn mạnh.
Tài sản nào "lên ngôi" nếu Mỹ vỡ nợ?
Trong trường hợp Mỹ vỡ nợ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ lựa chọn Bitcoin thay vì USD như là một tài sản “trú ẩn”. Đây là kết quả của cuộc khảo sát Markets Live (MLIV) Pulse gần đây nhất của hãng tin Bloomberg, trong đó hỏi các nhà đầu tư sẽ mua gì khi nợ công của Mỹ vượt mức trần.
Đứng đầu danh sách được các nhà đầu tư mua nếu xảy ra vỡ nợ là vàng, với 51,7% nhà đầu tư chuyên nghiệp và 45,7% nhà đầu tư nhỏ lẻ lựa chọn.
Thứ hai là trái phiếu kho bạc Mỹ, thu hút 14% nhà đầu tư chuyên nghiệp và 15,1% nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Bitcoin xếp thứ ba với lần lượt 7,8% và 11,3%, trong khi tỷ lệ lựa chọn của USD là 7,8% nhà đầu chuyên nghiệp và 10,2% nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Khảo sát MLIV Pulse của Bloomberg cũng cho thấy 41% nhà đầu tư dự báo đồng bạc xanh sẽ suy yếu khi Chính phủ Mỹ vỡ nợ và điều này có thể đẩy nhanh xu hướng phi Đôla hóa trên thế giới.
Trong khi đó, tiền ảo Bitcoin ghi nhận xu hướng hồi giá trong giai đoạn căng thẳng của nền tài chính Mỹ gần đây, cụ thể là cuộc khủng hoảng ngân hàng châm ngòi bởi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank.
Theo phân tích của ngân hàng Standard Chartered, điều này chủ yếu bắt nguồn từ cơ chế phi tập trung của đồng Bitcoin. Ngân hàng này dự báo việc Chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể đẩy giá Bitcoin tăng thêm khoảng 20.000 USD.
Đối với vàng, nhiều nhà phân tích dự báo giá vàng cũng sẽ tăng mạnh trong trường hợp xảy ra vỡ nợ tại Mỹ. Đồng USD suy yếu có thể càng hỗ trợ giá vàng, bên cạnh việc nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng và động thái nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ mua vàng và cổ phiếu công nghệ vì tin rằng những tài sản này sẽ tạo ra một sự bảo vệ trước nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay - theo các chiến lược gia của ngân hàng lớn nhất Mỹ, JPMorgan Chase.
Còn đối với trái phiếu kho bạc, ngân hàng UBS dự báo giá tài sản này sẽ tăng lên khi vấn đề nợ trần không được giải quyết. Điều này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và nhà đầu tư sẽ tiếp tục xem trái phiếu Chính phủ Mỹ như một “kênh trú ẩn” tương đối an toàn.
Sau vàng, trái phiếu kho bạc, Bitcoin và USD, các nhà tư tham gia khảo sát có xu hướng lựa chọn các tiền tệ “trú ẩn” truyền thống như Yên Nhật, Franc Thụy Sỹ.