Ngẫm điều tỷ phú giàu nhất lịch sử nước Mỹ dặn con về việc kết bạn, hé mở một trong những cách đưa gia tộc Rockefeller giàu tới 7 đời
Trong số 38 bức thư gửi cho con trai của mình, vị tỷ phú vĩ đại từng dặn: "Nếu con muốn phát triển tốt hơn thì 3 loại người này không nên thân thiết". Vậy 3 kiểu người đó là như nào?
Tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. (8/7/1839 – 23/5/1937) là một ông trùm kinh doanh và nhà từ thiện người Mỹ. Với biệt danh "Vua dầu mỏ", ông là người đã sáng lập nên đế chế dầu mỏ lừng lẫy – Tập đoàn Standard Oil.
Tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. Ảnh: Rockefeller Archive Center |
Khối tài sản của Rockefeller Sr. năm 1916 chiếm gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia, và nếu được điều chỉnh theo lạm phát thì ngày nay tài sản của ông sẽ có giá trị khoảng 418 tỷ USD. Con số này lớn hơn nhiều so với tài sản của Elon Musk, người giàu nhất hiện nay. Cũng bởi vậy mà tỷ phú này được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Người xưa có câu: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó 3 đời". Tuy nhiên, câu nói này không đúng với gia tộc Rockefeller. Trải qua hơn 100 năm, gia tộc này đã giàu có và hưng thịnh tới 6 đời. Bước sang thế hệ thứ 7 với 174 người thừa kế, họ vẫn giữ được số tài sản khổng lồ với tổng giá trị tài sản xấp xỉ 11 tỷ USD vào năm 2019.
Gia đình John Davison Rockefeller - tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ. Ảnh: Rockefeller Archive Center |
Bên cạnh sự giàu có, còn một điều nữa mà người đời nhắc đến Rockefeller Sr., đó là trí tuệ xuất chúng và cách nuôi dạy con cái quá đỗi tuyệt vời. Trong suốt cuộc đời mình, Vua dầu mỏ đã viết cho con trai tổng cộng 38 lá thư, kể về quãng đường làm giàu của ông. Đồng thời vị tỷ phú cũng dặn con những bài học cuộc sống quý báu. Trong số các bức thư, vị tỷ phú vĩ đại từng dặn các con: "Nếu con muốn phát triển tốt hơn thì 3 loại người này không nên thân thiết". Vậy 3 kiểu người đó là như thế nào?
Những người thích ở trong vùng an toàn
Tỷ phú Rockefeller từng viết: "Những người thất bại thường có một vấn đề chung, họ chỉ thích sự ổn định hiện tại và không chịu thay đổi. Ta cho rằng, đây là một hành động tự lừa dối và tự hủy hoại bản thân". Thế giới không ngừng phát triển, bạn sẽ thụt lùi nếu cứ đi ngược dòng.
“Vua dầu mỏ” viết rằng: “Những người thất bại thường có một vấn đề chung…”Ảnh: Rockefeller Archive Center |
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy nhiều đứa trẻ như vậy. Khi điểm số trên lớp tương đối ổn định, trẻ sẽ thể hiện tâm lý thoải mái và không cố gắng hoàn thành thật tốt công việc. Trẻ nghĩ mình không cần chiếm vị trí thứ nhất, vị trí thứ mười cũng chẳng cách xa vị trí đầu tiên cho lắm.
Nhưng nhiều năm sau bạn sẽ thấy một sự thật: Đứa trẻ đứng đầu trong kỳ thi sẽ luôn chiếm vị trí đầu, còn đứa trẻ thứ mười dần tụt xuống vị trí thứ 20 trong lớp. Một khi con người mất đi động lực tiến lên, họ sẽ ngày càng cách xa thành công.
Tiêu hết số tiền mình có và tiết kiệm hết số tiền mình kiếm được
Có hai kiểu người trên thế giới sẽ không bao giờ thành công được. Một là những người tiêu hết toàn bộ số tiền mình có và hai là những người tiết kiệm hết số tiền mình kiếm được.
Kiểu người thứ nhất tồn tại rất nhiều trong xã hội. Họ vui chơi bất kể đêm ngày, như thể sẽ chẳng còn ngày mai. Họ sẵn sàng tiêu sạch tiền và không biết thiết lập các khái niệm quản lý tài chính. Với phong cách sống đó, họ chẳng thể nào khiến "tiền sinh ra tiền".
Tỷ phú Rockefeller và gia đình. Ảnh: Rockefeller Archive Center |
Và kiểu người thứ hai cũng chẳng thể thành công được. Như chúng ta đều biết, những người giàu không trở nên giàu có vì tiết kiệm tiền. Trong quá trình tiêu tiền, họ tích lũy kiến thức quản lý tài chính, đầu tư chính xác và biến nó thành khối tài sản khổng lồ. Đó mới là cách để thành công, giàu có.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên dạy con khái niệm quản lý tài chính. Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ thì không nên bận tâm về chuyện tiền bạc. Ngược lại, trẻ cần hình thành quan niệm đúng đắn về tiền. Hãy dạy cho trẻ biết, mỗi đồng tiền kiếm được đều nhờ công sức lao động, đồng thời mở mang cho trẻ những khái niệm tài chính, cách kiếm tiền đúng đắn, cách phán đoán các giá trị và tiêu chuẩn đạo đức.
Luôn đổ lỗi cho người khác, không nhìn ra vấn đề của mình
"Một khi kẻ thua cuộc tìm được lý do chính đáng, anh ta sẽ lấy cớ này để giải thích và quy kết trách nhiệm cho người khác. Một người như vậy sẽ không tìm ra lý do mình thất bại mà chỉ biết tự an ủi bản thân khi thấy người khác cũng thất bại", tỷ phú Rockefeller viết. Theo tỷ phú này thích bao biện, là một loại "bệnh", những người mắc bệnh này đều là kẻ thua cuộc, không có ngoại lệ. Do đó, ông dặn con mình hãy tránh xa những người thích bao biện và hãy tự ngẫm lại bản thân. Đừng trở thành một người bao biện.
Năm anh em nhà Rockefeller vào năm 1967 gồm David, Winthrop, John D. III, Nelson và Laurance (từ trái qua) đều là những người giàu có. Trong đó John D. III là một nhà từ thiện nổi tiếng, Nelson là phó tổng thống Mỹ 1974-1977, Laurance là nhà đầu tư tài chính mạo hiểm nổi tiếng thế giới, Winthrop là thống đốc Đảng cộng hòa ở Arkansas, còn David có một cuộc đời kinh doanh và nghệ thuật lừng lẫy, được Forbes gọi là 'tỷ phú già nhất thế giới' khi qua đời ở tuổi 101. Ảnh: Rockefeller Archive Center |
Chúng ta phải giáo dục con cái dũng cảm đối mặt với thất bại, theo bước người chiến thắng, nhìn thấy sự xuất sắc của của họ mà học hỏi. Có như vậy chúng ta mới tiến bộ được. Nhìn người khác rồi rút ra vấn đề mình đang gặp phải chính là khả năng của người thành công.