Ngắm ngôi làng ‘sạch nhất châu Á’ tại quốc gia ô nhiễm bậc nhất thế giới, nắm giữ cây cầu được UNESCO công nhận là Di sản
Ấn Độ được là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới, nhưng ngôi làng ở phía Đông Bắc của đất nước này lại được công nhận là nơi sạch nhất châu Á.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, du khách ngày càng có xu hướng tìm đến những địa điểm trong lành, mát mẻ để thư giãn, thay vì chọn lựa những nơi đông đúc, nhộn nhịp. Do đó, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng phát triển quan trọng.
Tạp chí "Discover India" đã từng vinh danh một khu vực thôn quê tuyệt đẹp với danh hiệu "ngôi làng sạch nhất châu Á". Điều đáng ngạc nhiên là ngôi làng này không nằm ở các quốc gia được biết đến với sự sạch sẽ như Nhật Bản hay Singapore, mà lại nằm tại Ấn Độ - một quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nặng nề.
Ngôi làng này có tên là Mawlynnong hay còn được gọi là "Khu vườn của Chúa", nằm ở bang Meghalaya, ở phía Đông Bắc của Ấn Độ.
Trang web Traveltriangle đã liệt kê 5 điểm nổi bật đáng chú ý của Mawlynnong, là điểm đến xứng đáng một lần ghé thăm.
1. Sạch sẽ
Sạch sẽ được xem là nguyên tắc sống của cư dân tại làng Mawlynnong! Tất cả các ngôi nhà ở đây đều có nhà vệ sinh sạch sẽ từ năm 2007. Khắp làng đều được trang bị thùng rác làm từ tre, lá cây rụng cũng được thu gom và bỏ vào thùng rác. Việc sử dụng túi nilon và hút thuốc cũng đã bị cấm. Mọi quy định đều được tuân thủ nghiêm ngặt, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng nề.
Ngoài ra, không chỉ dọn dẹp nhà cửa cá nhân, mọi người tại Mawlynnong còn thường xuyên ra đường quét dọn sạch sẽ. Việc trồng cây cũng là một phần không thể thiếu trong lối sống của họ.
Hàng ngày, khoảng 6h30 sáng, những đứa trẻ khoảng 10-11 tuổi lại tụ tập nhau để ra đường nhặt rác. Họ sử dụng chổi để quét sạch lá cây rơi và rác trước cổng trường, sau đó gom gọn vào thùng rác. Mọi loại rác không được phép đổ chung một chỗ, mà phải được phân loại để xử lý một cách hiệu quả và tránh lãng phí.
2. Cộng đồng người dân sống đoàn kết, thân thiện
Ngôi làng Mawlynnong là nơi sinh sống của bộ tộc Khasi, sống trong xã hội mẫu hệ truyền thống. Tại đây, việc kế thừa họ và của cải từ mẹ sang con gái út trong gia đình là phổ biến. Chính điều này đã đảm bảo rằng trẻ em gái ở Mawlynnong được hưởng một sự giáo dục đầy đủ, với tỷ lệ biết chữ đạt 100% ở cả hai giới.
Vai trò của phụ nữ là trụ cột trong gia đình, do đó, sự sạch sẽ và tổ chức được coi trọng. Ngoài ra, người dân bộ tộc Khasi cũng nổi tiếng với lòng mến khách và tính thân thiện, hòa nhã.
3. Cây cầu từ rễ cây tự nhiên - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận
Người Khasi đã sáng tạo ra phương pháp khéo léo để vượt qua các con sông và kết nối các làng bị cô lập bằng cách xây dựng những cây cầu từ rễ cây tự nhiên, được gọi là "cây cầu sống" hay “jing kieng jri” trong ngôn ngữ địa phương.
Cây đa búp đỏ hay còn gọi là đa cao su (Ficus elastica), được trồng ở hai bờ sông. Sau khoảng 15-30 năm, khi cây trưởng thành, các rễ xuống sẽ phát triển thành bộ cấu trúc vững chắc.
Trong quá trình này, người Khasi sử dụng các sợi rễ để trải qua giàn tre tạm thời để cố định chúng. Với thời gian, bộ rễ ngày càng mạnh mẽ hơn và kết nối với nhau, tạo ra những cây cầu độc đáo với chiều dài từ 4,5-75m, có khả năng chịu tải trọng của 35 người.
Cấu trúc này không chỉ tiết kiệm chi phí so với việc sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống như bê tông và thép, mà còn bền vững theo thời gian và có thể tồn tại hàng thế kỷ. Chúng còn chống chọi với các thiên tai như bão và lũ quét thường xuyên xảy ra vào mùa mưa ở khu vực này, giúp kết nối các làng trong môi trường núi non hiểm trở của Meghalaya.
Đây là cây cầu được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
4. Địa điểm tham quan thú vị
Sky View là một điểm tham quan phổ biến tại ngôi làng này, thu hút đông đảo khách du lịch. Tháp quan sát này cao 25m và được xây dựng từ tre. Khi bạn leo lên đỉnh, bạn sẽ bị ấn tượng bởi khung cảnh tuyệt vời xung quanh ngôi làng.
Với vị trí gần khu vực biên giới với Bangladesh, từ đỉnh tháp bạn cũng có thể nhìn thấy phong cảnh của Bangladesh.
Âm thanh của thác nước Mawlynnong vang lên giữa không gian của núi rừng hùng vĩ, mang lại trải nghiệm dã ngoại đáng nhớ cho bạn và gia đình.
Ngoài ra, một điểm đến khác đáng chú ý là nhà thờ Hiển Linh (Church of Epiphany). Đây là một công trình kiến trúc có tuổi đời hơn 100 năm, vẫn giữ lại được sự quyến rũ của thế giới cổ điển. Nhà thờ nằm giữa rừng xanh và những bông hoa rực rỡ, tạo ra một không gian thư thái và lãng mạn.
5. Món ăn địa phương dân dã
Mọi món ăn tại làng Mawlynnong đều được chế biến từ nguyên liệu hữu cơ như rau củ quả trồng trong làng. Thậm chí, cả thịt cũng được lấy từ các loài chim và động vật nuôi trong khu vực.
Bạn sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn chay và món mặn, từ thịt lợn xào ớt chuông và rau xanh, hoa chuối tươi và thịt hun khói, đến Jadoh - một món ăn ngon được làm từ thịt và cơm, hoặc Tungrymbai - một món ăn độc đáo với đậu nành lên men, lá tre và gia vị địa phương.
Nguồn: Traveltriangle