Tài chính Ngân hàng

Ngân hàng 'đau đầu' vì hàng chục nghìn tỷ nợ xấu khó thu hồi

Hà An 15/09/2024 13:16

Tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng cao, trong khi việc xử lý, thu hồi nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang diễn biến theo chiều hướng đáng lo ngại. Mặc dù các chính sách giãn nợ đã được triển khai, tỷ lệ nợ xấu vẫn gia tăng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này tạo ra thách thức lớn cho ngành ngân hàng trong việc kiểm soát và xử lý nợ.

Nợ xấu tăng cao

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, số dư nợ xấu tại 29 ngân hàng đã tăng thêm 20,8%, tương ứng với 46.719 tỷ đồng, đạt 271.461 tỷ đồng. Cùng chiều với số dư nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm đã tăng 0,24% so với cuối năm 2023, đạt 2,17%.

Như vậy, trong 2 năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao và có khả năng tiếp tục gia tăng chủ yếu từ nhóm các ngân hàng thương mại.

Khảo sát tại 29 ngân hàng thương mại thời điểm cuối quý II/2024, chỉ có 5 ngân hàng cải thiện được tỷ lệ nợ xấu. Ngược lại, 24 ngân hàng ghi nhận mức tăng nợ xấu đáng kể, nhiều ngân hàng có số dư nợ xấu tăng tới 30-50% so với cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng như BaoViet Bank (4,79%) và VIB (3,67%) đều vượt ngưỡng mục tiêu 3% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

debt-relief.jpg
Ngân hàng 'đau đầu' vì hàng chục nghìn tỷ nợ xấu khó thu hồi

Không chỉ nợ xấu tăng, các khoản nợ nghi ngờ mất vốn (nợ nhóm 4) đã chuyển thành nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) với quy mô lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đơn cử, tại VIB, tính đến cuối quý II/2024, nợ nhóm 5 đã tăng 91% so với cuối năm 2023, kéo theo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 3,14% lên 3,65%. Tại Sacombank (STB), tính đến 30/6, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 72% so với đầu năm lên 8.409 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,28% lên 2,43%. Tại ABBank (ABB) tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 2,91% đầu năm lên 3,55%...

>> VIB có 4.205 tỷ đồng nợ khả năng mất vốn

Đáng chú ý, cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều ghi nhận số dư nợ xấu tăng mạnh. Đặc biệt, VietinBank, Vietcombank và BIDV có mức tăng lần lượt là 48,4%, 32% và 28%.

Về tốc độ tăng nợ xấu, Bac A Bank (BAB) là đơn vị dẫn đầu với số dư nợ xấu tăng tới 65,3% so với thời điểm cuối năm 2023, tiếp theo là VietABank tăng 52,3%, VietBank tăng 47,4%...

Ngân hàng 'gặp khó' vì nợ khó đòi

Trước áp lực nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn suy giảm. Tính tới giữa năm nay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm xuống chỉ còn gần 85%, thay vì mức gần 99% cuối năm ngoái.

Có tới 23/29 ngân hàng suy giảm bao phủ nợ xấu, trong đó mạnh nhất là VietinBank (giảm 53,5%), tiếp đến là BIDV (giảm gần 49%), Bac A Bank (giảm 45%)... Toàn hệ thống chỉ còn 6 ngân hàng có quỹ dự phòng rủi ro đủ sức bao phủ trên 100% nợ xấu, bao gồm nhóm “Big 4” và MB (MBB), Techcombank (TCB).

>> MBBank (MBB) đang có 11.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo đó, các ngân hàng đang cập rập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Nhưng đại diện nhiều ngân hàng cho hay, họ đang đứng trước khó khăn kép về nợ xấu. Không chỉ nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm mà việc thu hồi, xử lý nợ ngày càng khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực và hiện chưa có văn bản thay thế.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, chia sẻ Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ, càng khiến cho việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn.

>> TPBank (TPB) có gần 4.400 tỷ đồng nợ xấu

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó, có nhiều trường hợp khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng, nhưng cũng có không ít khách hàng cố tình chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Trong khi đó, quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí, giá trị tài sản đảm bảo bị giảm sút, đặc biệt là các tài sản bảo đảm là dây chuyền máy móc thiết bị, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ nợ phát sinh của khách hàng.

Không chỉ vậy, nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn… Bên cạnh đó, các vướng mắc về mặt pháp lý là một trong các nguyên nhân dẫn đến làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) thừa nhận hiện chưa có cơ chế pháp lý đủ mạnh cho phép bên nhận bảo đảm tiếp cận, thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý.

>> Eximbank (EIB) gánh 2.600 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn

Nhiều vụ thi hành án bị trì hoãn, ảnh hưởng đến thu hồi nợ xấu của ngân hàng

Một doanh nghiệp họ FLC có nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Ngân hàng 'đau đầu' vì hàng chục nghìn tỷ nợ xấu khó thu hồi
POWERED BY ONECMS & INTECH